Dư luận ở huyện Tân Phú gần đây xôn xao trước thông tin: nhiều trường hợp là cán bộ địa phương được chia phần mặt nước hồ vùng thượng nguồn đập Đồng Hiệp (xã Phú Điền) để... làm ao nuôi cá.
Dư luận ở huyện Tân Phú gần đây xôn xao trước thông tin: nhiều trường hợp là cán bộ địa phương được chia phần mặt nước hồ vùng thượng nguồn đập Đồng Hiệp (xã Phú Điền) để... làm ao nuôi cá.
Dẫn chúng tôi đến khu vực hồ Đồng Hiệp, một người dân ngụ ở ấp 2, xã Phú Điền kể: Dạo trước vùng lòng hồ mênh mông, nhưng lợi ích từ việc nuôi cá khiến người ta bất chấp quy luật của dòng chảy nên đã be bờ từng khoảnh. Từ đó, hồ thỉnh thoảng “nổi giận” vì mỗi lần xả đập, nước ở hồ tràn xuống lênh láng làm khu vực phía dưới bị ngập nặng.
* Đập dâng có còn tác dụng trữ nước?
Trên đường từ ấp 2, xã Phú Điền vào hồ, chúng tôi gặp một số nông dân đang vận chuyển lục bình về phơi. Họ bảo, những người “có phần” trên hồ chia nhau nuôi cá nên lục bình gần đây đã giảm dần diện tích, khiến cuộc sống của những người chuyên vớt lục bình và cả số hộ sống bằng nghề phơi lục bình khô có phần ảnh hưởng. Lâu nay lục bình được bà con tận dụng để đan giỏ xuất khẩu. Lục bình ở hồ Đồng Hiệp đã nuôi sống một số cư dân địa phương.
Nông dân thu hoạch lục bình từ vùng bán ngập. |
Phải đi qua vườn rẫy của nhiều hộ dân, chúng tôi mới đến được lòng hồ Đồng Hiệp. Quả thật, vùng thượng lưu hiện tại không còn thông thoáng như cách nay khoảng hơn chục năm trước chúng tôi có dịp đến. Bản thân nó bị tách thành nhiều ao bằng những bờ đất. Trên đó, người ta giăng lưới, làm chòi bảo vệ khá nhiều. Tuy nhiên, một nông dân đã có thời gian dài nuôi cá ở đây thổ lộ, vùng nước này bây giờ lạ lắm, chẳng hiểu vì sao cá không lớn nổi, thậm chí nhiều đợt cá chết hàng loạt. Chính vì vậy, cách đây vài năm, số hộ đầu tư nuôi cá lên đến gần trăm, nhưng bây giờ một số trường hợp đã bỏ nghề này, chuyển sang trồng lục bình. “Mới năm ngoái, gia đình tôi cùng một số hộ khác bị lỗ nặng vì cá nuôi không chịu lớn. Mặc dù không bị ô nhiễm, nhưng dường như nước không còn phù hợp để nuôi cá nữa. Mặt khác, giá cá bấp bênh nên dù có đầu tư nhiều để thúc cá, song người nuôi vẫn ít có lời” - nông dân này bộc bạch.
Nói về công trình thủy lợi đập Đồng Hiệp, ông N.L., một cư dân lập nghiệp ở vùng này hơn 30 năm qua cho biết, vùng thượng lưu đập thủy lợi Đồng Hiệp có diện tích 430 hécta. Rất nhiều người ngộ nhận đây là hồ chứa nước, nhưng thực tế đó là vùng bán ngập có chức năng dâng nước tưới tiêu. “Vì là đập dâng nên có một số lần xả đập, nước đã làm ngập khu vực hạ lưu. Điều này là lẽ tự nhiên, bởi cơ bản hồ vẫn còn có tác dụng trữ nước và điều tiết nước tưới trong mùa khô và cắt lũ về mùa mưa” - ông L. khẳng định.
* Cơ quan quản lý nói gì?
Giải thích về hiện tượng ngập một số vùng phía hạ lưu khiến cử tri xã Phú Điền bức xúc, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho biết: "Công trình đập thủy lợi Đồng Hiệp được xây dựng theo hình thức đập dâng có cửa van điều tiết. Đập có nhiệm vụ ngăn dòng chảy của suối Đa Chà, nhằm dâng nước tưới cho hơn 1 ngàn hécta lúa của các xã: Phú Điền, Phú Thanh và Trà Cổ. Do phía thượng lưu có các dải đất trũng ven suối, nên mỗi khi đóng cửa đập để dâng nước, đã tạo thành vùng ngập khá lớn khiến khoảng 500 hécta không canh tác được. Vì vậy, nơi đây được gọi là vùng bán ngập. Như vậy, công trình thủy lợi Đồng Hiệp là loại hình đập dâng nước chứ không phải hồ chứa nước. Do nằm trong vùng ngập của sông La Ngà, đập Đồng Hiệp được bố trí 6 cửa van xả để tháo lũ, đảm bảo an toàn công trình. Hàng năm, vào cao điểm mùa mưa, mực nước sông La Ngà lên cao làm hạn chế khả năng tiêu thoát dòng chảy, đã gây ngập úng cho cánh đồng Đồng Hiệp. Đối với các ao nuôi cá trong vùng bán ngập có lượng nước ít, không phải là nguyên nhân chính gây ngập như một số thông tin đã nêu".
Năm 1977, đập Đồng Hiệp được xây dựng để cung cấp nước tưới cho 400 hécta lúa 2 vụ. Năm 2002, công trình được nâng cấp với năng lực thiết kế được nâng lên 1.100 hécta. Từ năm 2006 đến nay, diện tích tưới của đập Đồng Hiệp là 1.640 hécta lúa 2 vụ, đạt 149% năng lực thiết kế. |
Đề cập về hàng trăm trường hợp được phân chia diện tích mặt nước hồ để nuôi cá, Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Đồng Nai cho biết, từ năm 2003, được sự thống nhất của các sở ngành, địa phương, công ty tiến hành ký kết hợp đồng với các hộ dân trong vùng bán ngập trong việc giao sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản với các điều khoản quy định cụ thể về trách nhiệm của người hợp đồng. Việc khai thác tiềm năng mặt nước sẵn có để nuôi trồng thủy sản được thực hiện một cách hợp lý, đồng thời tạo điều kiện để nông dân cải thiện đời sống. Vấn đề này không ảnh hưởng đến quy trình cung cấp nước tưới lúa 2 vụ, cũng như khả năng thoát lũ của công trình.
T.Nguyên