Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống chung với lũ

09:11, 19/11/2012

5 năm trở lại đây, tại khu vực suối Nước Trong, xã An Phước, huyện Long Thành cứ sau mỗi cơn mưa là chìm trong nước. Người dân đã làm mọi cách để chống chọi, nhưng đều bất lực, buộc sống chung với lũ…

5 năm trở lại đây, tại khu vực suối Nước Trong, xã An Phước, huyện Long Thành cứ sau mỗi cơn mưa là chìm trong nước. Người dân đã làm mọi cách để chống chọi, nhưng đều bất lực, buộc sống chung với lũ…

Theo người dân ở đây phản ảnh, nguyên nhân gây nên tình trạng này, cơ bản là việc chậm triển khai dự án cải tạo, mở rộng suối Nước Trong. Hơn nữa, quá trình thi công xây dựng cầu Nước Trong thì đất, đá từ công trình đã lấp một phần lòng suối khiến dòng chảy bị chặn lại. Đáng kể là việc ngập lụt ở đây năm sau cao hơn năm trước, thời gian ngập kéo dài, làm ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư.

* “Bơi”… trong nhà!

Nhà ông Phạm Đức Suy, ngụ KP1, ấp 7, xã An Phước nằm cạnh cầu Nước Trong. Hai năm gần đây, cứ mỗi khi trời chuyển mưa là cả gia đình ông Suy nhốn nháo vì phải tìm cách kê đồ đạc lên cao. Trong nhà ông Suy hiện vẫn còn dấu tích của mực nước ngập cách nay 3 tháng. Lần ấy, nước dâng cao đã nhấn chìm tất cả giường, tủ, đồ đạc.  Mặc dù trước đó, ông Suy đã nâng nền nhà cao thêm 1,5m, nhưng mức ấy cũng không thể nào ngăn được dòng nước ào ào chảy như lũ. Mới đây nhất vào khoảng tháng 10, một cơn mưa không lớn lắm nhưng cũng làm nhiều gia đình phải lội bì bõm trong nhà. Ông Suy kể, người lớn thì có thể đi lại ở mực nước cao hàng mét, song đối với trẻ em thì rất nguy hiểm, muốn tới lui chỉ còn cách… “bơi” trong nhà.

Sau mỗi trận mưa, người dân ngụ gần suối Nước Trong phải lội bì bõm trong nhà.
Sau mỗi trận mưa, người dân ngụ gần suối Nước Trong phải lội bì bõm trong nhà.

Đối diện với nhà ông Suy, cách con suối là vườn cây ăn trái của ông Trần Hùng Phương. Nói về những lần ngập lụt, ông Phương cho biết, sau cơn mưa, dù lớn hay nhỏ thì mảnh vườn của ông đều chìm trong nước. Sau đó, nhanh thì 4 giờ, chậm phải mất 6 giờ nước mới rút. Vào mùa mưa, liên tục nhìn vườn cây “uống no” nước, ông Phương cũng không còn cách nào khác đành bất lực nhìn cây ngả màu theo thời gian vì chết úng. Thống kê lại, ông Phương không khỏi buồn bã vì hơn chục gốc mít cao sản đang cho năng suất cao, hàng chục gốc sầu riêng cả chục năm tuổi không chịu nổi ngập úng, buộc phải cưa bỏ, thiệt hại trước mắt hàng trăm triệu đồng. Chỉ về phía mấy cây mít èo uột còn lại trong vườn, ông Phương xót xa nói: “Những cây này mọi năm trái mọc dày, không có chỗ trèo. Giờ mỗi cây chỉ ra lác đác ít trái non, chưa chắc múi đã đạt chất lượng. Lá úa vàng kiểu này thì năm sau chắc cũng phải chặt bỏ”.

* Khi nào mới khắc phục nước ngập?

Cơn mưa nào cũng vậy, khi nước lên nhanh có lúc cao gần bằng người, nhiều hộ dân tất tả lo chạy lũ mà còn phải ngậm ngùi nhìn tài sản, công sức của mình bị nhấn chìm. Tháng 5 vừa rồi, chỉ trong một buổi, anh Trần Ngọc Hiểu, ở khu 1, ấp 7 bị mất hơn 1.500 con chim cút đẻ, 50 con gà cùng các đồ nông cụ đắt tiền khác. Nhớ lại tình cảnh dở khóc dở cười của mình khi đứng nhìn tài sản trôi theo cơn nước, anh Hiểu bức xúc: “Nước lên nhanh đến nỗi người còn chạy không kịp, huống chi gia súc, gia cầm. Người dân quen việc chạy lũ đến độ, hễ có mưa là vác hết đồ đạc lên quốc lộ. Lúc khiêng đã mệt, lúc dọn về càng cơ cực hơn vì phải kê lại cho đúng chỗ”.

Các hộ dân sống gần khu vực suối Nước Trong còn cho biết, những năm gần đây, cứ chập choạng tối là nước suối bốc mùi hôi thối. Có hôm nước màu đen, lúc màu cà phê sữa và có khi là màu đỏ. Những lần nước rút đi, bà con khốn khổ gấp bội vì trên đất, nền nhà dính một lớp bùn có nhớt pha dầu rất khó rửa và không tốt cho cây trồng. Chỉ cho chúng tôi đống đá chất ngổn ngang dưới gầm cầu Nước Trong, ông Suy khẳng định, ngày trước khu vực suối Nước Trong thỉnh thoảng cũng ngập nhưng không nặng nề như bây giờ. Từ khi dự án làm cầu được triển khai thì đất, đá từ nơi khác đổ xuống nhưng chưa thi công đã theo nước mưa tràn xuống lấp dần con suối, gây tình trạng ngập càng lúc càng nghiêm trọng. Những người sống lâu năm ở vùng này nhận định, lòng suối khi trước rộng, mưa lớn cỡ nào cũng thoát kịp. Còn bây giờ, mười phần chỉ còn ba, nước không rút kịp là điều đương nhiên.

Suối Nước Trong kéo dài từ ngã 3 Thái Lan đến xã Tam An, huyện Long Thành. Dự án nạo vét, cải tạo suối có liên quan tới khoảng 300 hộ dân. Nói về khả năng khắc phục tình trạng ngập ở khu vực suối Nước Trong, Phó chủ tịch UBND xã An Phước Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh: “Chúng tôi biết bà con gặp khó khăn trước cảnh nhà, vườn thành sông mỗi khi trời mưa. Chúng tôi cũng như người dân đều mong muốn dự án nhanh chóng được thi công. Tuy nhiên, tất cả còn phải đợi UBND tỉnh phê duyệt chi trả tiền đền bù thì công trình mới tiến hành”. Về chuyện đá chất ngổn ngang dưới gầm cầu suối Nước Trong, ông Cảnh cho biết sẽ gọi nhà đầu tư xuống kiểm tra, và sẽ dọn dẹp sạch sẽ.

Minh Đăng

 

 

 

Tin xem nhiều