Ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có 3 xóm. Xóm này cách xóm kia một đường lộ, thế nhưng bên đây có nước sạch sử dụng nhiều năm qua, còn bên kia vẫn phải mua nước về xài…
Ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có 3 xóm. Xóm này cách xóm kia một đường lộ, thế nhưng bên đây có nước sạch sử dụng nhiều năm qua, còn bên kia vẫn phải mua nước về xài…
Năm 2005, khi Nhà máy nước Thiện Tân hoàn thành, đưa vào sử dụng thì người dân ở ấp Ngũ Phúc khấp khởi mừng thầm vì đã có thể thoát khỏi cảnh thiếu nước sạch bấy lâu nay.
* Khát nước sạch
Tuy nhiên sau đó, năm 2008, những hộ dân xóm Sài Quất được gắn đồng hồ nước, còn 2 xóm Trung Đồng và xóm Chùa nằm bên kia đường lộ vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Cho đến nay, hơn 4 năm dài cổ chờ đợi nhưng hệ thống nước máy vẫn chưa đến được với 2 xóm còn lại.
Người dân ở xóm Chùa và Trung Đồng lâu nay vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. |
Bà Lê Thị Mây, ngụ ở xóm Trung Đồng, tâm sự: “Nhiều năm nay, các hộ dân chúng tôi phải xài nước giếng khoan. Vào những tháng mùa mưa thì nguồn nước này dồi dào, song vào mùa khô thì nguồn nước này cạn kiệt, không có đủ dùng. Đáng kể là do nằm ở địa hình cao nên nước bị nhiễm phèn nặng”. Cùng nhận định như bà Mây, anh Trần Văn Việt người dân xóm Chùa bức xúc nói: “Nước giếng khoan càng ngày càng ô nhiễm. Dùng để giặt thì áo trắng biến màu, quần áo giặt xong có mùi tanh. Nếu dùng nước giếng khoan nấu ăn cũng không thể yên tâm vì ảnh hưởng đến sức khỏe. Để có nước sử dụng cho cả nhà, gia đình tôi phải thường xuyên đi mua nước đóng bình với giá từ 12 ngàn đồng/bình 12 lít”. Tương tự, cứ mỗi lần nhắc đến nước là ông Phan Văn Vinh, cùng ngụ xóm Chùa, than: “Nhiều lúc biết nước giếng khoan không đảm bảo an toàn, nhưng vẫn phải dùng. Nếu có chủ trương đưa nước sạch đến cho dân, thì dù khó khăn mấy gia đình tôi vẫn sẵn sàng đi vay vốn để lắp đồng hồ nước”.
Trao đổi về vấn đề nước sạch trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng ấp Ngũ Phúc cho biết, Ngũ Phúc là ấp văn hóa với hơn một ngàn nhân khẩu, nhưng mới chỉ có 500 hộ gia đình ở xóm Sài Quất có nước sạch. Thực tế, hệ thống nước sạch mà dân đang sử dụng là nhờ xài “ké” đường dẫn nước vào các nhà máy trong khu công nghiệp. Trước tình cảnh bên thừa, bên thiếu nước, các hộ dân 2 xóm Trung Đồng và xóm Chùa đã nhiều lần phản ảnh vấn đề này lên chính quyền địa phương, song mọi chuyện cứ giậm chân tại chỗ, chẳng biết bao giờ các hộ nơi đây mới tiếp cận được nguồn nước sạch.
* Sẵn sàng vay vốn lắp đồng hồ nước
Hiện nay, chi phí để lắp đồng hồ nước khá cao, nhưng nhiều hộ dân ở Ngũ Phúc chưa có nước sạch rất mong muốn hệ thống nước máy đi qua đây để bà con có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch. Cũng như gia đình ông Vinh, nhiều hộ dân ở Ngũ Phúc không khá giả gì, nhưng họ sẵn sàng đi vay mượn để lắp đồng hồ nước. Bà Dương Thị Loan, ngụ ấp xóm Trung Đồng, bày tỏ mong muốn: “Nhà tôi có 8 nhân khẩu, với mỗi giếng khoan nên nhiều khi không đủ nước cho cả gia đình xài, trong khi đi mua nước bình để nấu ăn thì quá mắc, không thể chịu nổi. Nếu Nhà nước giải quyết cho các hộ dân trong xóm có nước sạch, thì dù đầu tư tốn kém, chúng tôi cũng ráng lo liệu để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình về lâu dài”.
Đề cập về vấn đề người dân Ngũ Phúc thiếu nước sạch, Phó chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Hoàng Thế Vinh cho biết, chính quyền địa phương đang nghiên cứu và khảo sát địa hình của 2 xóm Chùa và Trung Đồng để lập tờ trình gửi lên Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai trong thời gian sớm nhất. Xã cũng sẽ phối hợp với Ban điều hành ấp Ngũ Phúc lập danh sách những gia đình gặp khó khăn, để mai này khi hệ thống nước sạch đến đây thì sẽ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho số hộ này được vay vốn ưu đãi. Trong khi đó, ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - xây dựng Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai, cho rằng đường ống dẫn nước đi qua ấp Ngũ Phúc để cung cấp cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bom. Trước thực trạng người dân Ngũ Phúc đang “khát” nước sạch, công ty sẽ nghiên cứu, đồng thời phối hợp với UBND xã lập kế hoạch cung cấp nước máy cho người dân tại 2 xóm Chùa và Trung Đồng.
Văn Chính