Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Việt Nam. Từ số báo này, Báo Đồng Nai mở chuyên mục hỏi, đáp về những chính sách liên quan đến Nghị định này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Việt Nam. Từ số báo này, Báo Đồng Nai mở chuyên mục hỏi, đáp về những chính sách liên quan đến Nghị định này.
Một góc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên. |
Nghị định 99/CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011, gồm 25 chương, 25 điều. Trong đó, quy định về chính sách chi trả DVMTR tại Việt Nam, gồm: Các loại DVMTR được bên sử dụng dịch vụ chi trả tiền cho bên cung ứng DVMTR quy định tại Nghị định này; các bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR; quản lý và sử dụng việc chi trả tiền DVMTR; quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành đối với việc thực hiện chi trả DVMTR. Ở Đồng Nai, ngày 26-9-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2752 về phê duyệt kế hoạch triển khai chính sách chi trả DVMTR.
* Đối tượng nào được áp dụng Nghị định 99/CP?
- Đối tượng áp dụng gồm: các cơ quan nhà nước; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến cung ứng, sử dụng và chi trả tiền DVMTR, quản lý tiền chi trả DVMTR.
* Chính sách môi trường rừng được hiểu như thế nào?
Theo ước tính của các nhà khoa học, tuy diện tích che phủ chiếm khoảng 30% diện tích đất đai toàn cầu, nhưng rừng có thể lưu trữ khoảng 1.150 giga-tấn carbon (đơn vị năng lượng), chiếm khoảng 50% lượng carbon có thể lưu trữ của các hệ sinh thái trên đất liền. Đối với rừng đước, có thể lưu trữ 45 tấn carbon/hécta và hấp thụ khoảng 1,5 tấn carbon/hécta/ năm. Với khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon như vậy, các hệ sinh thái tự nhiên chính là các bể chứa carbon rất lớn, góp phần hiệu qủa trong giảm thiểu khí nhà kính. |
- Môi trường rừng bao gồm: các hợp phần của hệ sinh thái rừng: thực vật, động vật, vi sinh vật, nước, đất, không khí, cảnh quan thiên nhiên. Môi trường rừng có các giá trị sử dụng đối với nhu cầu của xã hội và con người, gọi là giá trị sử dụng của môi trường rừng, gồm: bảo vệ đất, điều tiết nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, phòng chống thiên tai, đa dạng sinh học, hấp thụ và lưu giữ carbon, du lịch, nơi cư trú và sinh sản của các loài sinh vật, gỗ và lâm sản khác. DVMTR là công việc cung ứng các giá trị sử dụng ở môi trường rừng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đời sống nhân dân.
* Loại rừng và loại dịch vụ môi trường rừng được trả tiền DVMTR ra sao?
- Rừng được chi trả tiền DVMTR là các khu rừng có cung cấp một hay nhiều DVMTR theo quy định, như: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Loại DVMTR được quy định trong Nghị định 99/CP là để: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon trong các khu rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng và phát triển rừng bền vững. Ngoài ra, còn bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, DVMTR còn cung ứng bãi đẻ cho động vật, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
(Còn tiếp)