Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần phổ biến rộng rãi Nghị định 71/2012/NĐ-CP

09:11, 16/11/2012

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-11-2012) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-11-2012) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, có 13 điểm được bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt với số tiền khá cao. Ví dụ, sửa đổi, bổ sung điều 9 với mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi điều khiển phương tiện mà sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ. Sửa đổi, bổ sung điều 37: xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép… Nói cách khác, có rất nhiều điều mà người sử dụng phương tiện giao thông chưa nắm rõ nên rất dễ vi phạm.

Thực tế, thời gian gần đây, cảnh sát giao thông ở các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt những lỗi vi phạm thông thường, như: rẽ trái, phải… không bật đèn xi nhan; hoặc chạy lấn tuyến, vượt trái không báo trước tín hiệu... qua đó đã phần nào nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, do không hiểu rõ những quy định chi tiết của Luật Giao thông đường bộ, cũng như các nghị định liên quan nên người điều khiển phương tiện thường bị “dính” lỗi. Do đó tôi nghĩ rằng, những quy định về xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ rất cần được thông tin, tuyên truyền rộng rãi, nhất thiết giăng khẩu hiệu, dựng pa-nô ở chỗ dễ thấy nhất để người dân biết, chấp hành.

Tôi còn nhớ dạo trước, khi bắt đầu thực hiện đội mũ bảo hộ, hay xe gắn máy phải gắn kính chiếu hậu, ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức nên ý thức chấp hành của người dân khá tốt. Theo tôi, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả, bởi chẳng ai muốn bị phạt một khi đã biết rõ quy định, nhất là mức phạt như hiện nay không phải thấp.

Lê Kim Vy (TP.Biên Hòa)

 

Tin xem nhiều