Báo Đồng Nai điện tử
En

10 năm chờ được đền bù

09:11, 02/11/2012

Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh tại xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa được quy hoạch cách đây gần 10 năm. Đa số các hộ dân đã nhận tiền đền bù và giao đất cho dự án, nhưng hiện vẫn còn 6  hộ dân chưa dời đi.

 

Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh tại xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa được quy hoạch cách đây gần 10 năm. Đa số các hộ dân đã nhận tiền đền bù và giao đất cho dự án, nhưng hiện vẫn còn 6  hộ dân chưa dời đi.

Nguyên nhân để những người dân quyết bám đất đến cùng này, cơ bản vẫn là chuyện tiền bồi thường không thỏa đáng và những bất hợp lý trong quá trình triển khai dự án.

* Những người "sót" lại

Mảnh đất của cụm công nghiệp rộng hơn 54 hécta đã được xây dựng hạ tầng, đường xá, điện khá đầy đủ. Tuy nhiên, thấp thoáng ở đây vẫn còn những nóc nhà tạm bợ, những vườn cây tiều tụy không được chăm sóc.

Tiếc đất bỏ hoang nên ông Trương Quang Phúc trồng cây nhưng đều bị chết.
Tiếc đất bỏ hoang nên ông Trương Quang Phúc trồng cây nhưng đều bị chết.

Ông Trương Quang Phúc, ngụ tại số nhà 212, ấp 4, xã Tân Hạnh có gần 1,9 hécta đất nông nghiệp trồng rau màu, cây ăn quả và hồ cá. Trong đó có gần 1,5 hécta đất nằm trong vùng quy hoạch. Thế nhưng sau khi chính quyền đo đạc đất để tiến hành đền bù, mảnh đất của ông bỗng dưng bị thiếu hơn 1 ngàn m2. Sau nhiều năm làm đơn khiếu nại, cứ mỗi lần đo đạc thì ông lại được “tặng” thêm vào trăm mét vuông. Và cho đến gần đây nhất, năm 2012, ông mới nhận được diện tích đất đúng bằng số mét vuông ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không những vậy, ông Phúc còn cho biết rằng, mình bị thiệt thòi quá lớn khi phần đất của gia đình nằm liền kề khu dân cư mà lại tính bằng giá với những khu vực nằm ở vùng sâu, vùng xa khác. Ông nhẩm tính, với giá đất năm 2003 là 2 triệu đồng một mét vuông thì mảnh đất của ông bán được cao gấp vài chục lần so với cái giá 100 ngàn đồng/m2 mà Hội đồng bồi thường của TP.Biên Hòa đưa ra.

Hoàn cảnh bi đát hơn là gia đình bà Đoàn Thị Tuyết Lan, số nhà 22, ấp 3, xã Tân Hạnh. Mảnh vườn hơn 9 ngàn m2 của bà Lan nằm trọn trong quy hoạch và đường xá đã xây trên đất bà. Giống như ông Phúc, cho đến nay bà Lan vẫn chưa chấp nhận số tiền đền bù bởi quá ít, chỉ 72 ngàn đồng/m2, dù hiện tại bà đã buộc phải di chuyển tới nơi khác sinh sống. Bà nói trong nghẹn ngào: “Từ khi nghe thông báo của xã về việc giải tỏa đất xây cụm công nghiệp thì cho đến ngày bị cưỡng chế, gia đình tôi không hề nhận được một thông báo thu hồi đất nào thì sao lại nói rằng, tôi không tuân thủ pháp luật”. Bà Lan kể thêm, số tiền 2 triệu đồng mà bà nhận được với mục đích “hỗ trợ chuyển đổi nghề”, không thấm vào đâu so với việc 8 nhân khẩu trong gia đình mất hết đất canh tác và trong tay không có đồng vốn nào.

* Vẫn phải đợi chờ!

Một lý do khác nữa mà những hộ dân bất đắc dĩ còn “sót lại” trong cụm công nghiệp Tân Hạnh này bức xúc, chính là lời hứa về nền tái định cư mà họ sẽ được nhận. Tuy nhiên, ai được nhận nền tái định cư, khi nào được nhận và nền chính phải trả bao nhiêu tiền, nền phụ bao nhiêu thì không ai trả lời cho số hộ này hiểu rõ.

Bà Lan cho biết, trường hợp của một người dân tại ấp 3, sau 8 năm đi khiếu kiện nhưng vì đất đã bị thu hồi, không trồng trọt gì được nên chấp nhận số tiền đền bù 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng lãnh thì lãi suất suốt 8 năm không hề có mà còn bị trừ một số tiền gọi là thi hành cưỡng chế!

Những mảnh vườn của 6 hộ dân này giờ đều bỏ không, cây cối chết khô, cỏ mọc đầy. Một phần vì nền đất xung quanh của cụm công nghiệp đã nâng cao nên vườn tược trở thành ao nước trong mỗi mùa mưa. Người dân nào thấy tiếc đất đai bỏ hoang mà tận dụng canh tác ngoài nước ngập thì cũng không thể đạt hiệu quả vì sâu bọ tàn phá sạch.

Trước những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa giải thích: “Giá đất đền bù chúng tôi căn cứ theo các quy định của UBND tỉnh nên không thể nâng lên theo mong muốn của bà con. Bên cạnh đó, dự án được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một quyết định khác nên phải theo đó thực hiện. Do vậy dẫn đến chỗ, mỗi năm có một mức giá đền bù chênh lệch nhau”.

Về chuyện nền tái định cư cho người dân, ông Tài cho biết, UBND TP.Biên Hòa đang hoàn thiện khu tái định cư ở xã Tân Hạnh để sắp tới giao cho những hộ dân này. Nhưng vì chưa xác định được giá hạ tầng nên chưa thể thông báo cho bà con số tiền phải đóng. Trong thời gian sớm nhất, chính quyền địa phương sẽ thông tin cụ thể đến các hộ dân.

Minh Đăng

 

 

Tin xem nhiều