Rất nhiều lần, khi đến uống cà phê tại các quán dọc bờ sông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Biên Hòa, tôi chứng kiến nhân viên ở những nơi này không ngần ngại vứt rác xuống sông Đồng Nai. Trước những hành động rất “vô tư” như vậy, không ít người cảm thấy khó chịu.
Rất nhiều lần, khi đến uống cà phê tại các quán dọc bờ sông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Biên Hòa, tôi chứng kiến nhân viên ở những nơi này không ngần ngại vứt rác xuống sông Đồng Nai. Trước những hành động rất “vô tư” như vậy, không ít người cảm thấy khó chịu. Riêng tôi có lần tự hỏi, tại sao chủ quán, người quản lý và các nhân viên không nhắc nhở nhau phải bỏ rác đúng nơi quy định? Phải chăng, việc bỏ rác vào thùng là quá khó, rất vất vả nên những cô phục vụ bàn xem dòng sông là nơi chứa rác một cách “lý tưởng”?
Lần đầu khi thấy một anh nhân viên quán T.T thản nhiên vứt vỏ lon nước ngọt xuống sông, tôi nghĩ có lẽ vì thông cảm hoàn cảnh của những người vớt ve chai trên sông nên anh ta làm vậy. Nhưng đến lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần khác nữa, rác tại các quán tuồn xuống dòng sông thơ mộng này, gồm: đồ ăn dư của khách, vỏ trái dừa, ống hút, xác cà phê, vỏ bao thuốc, vỏ bánh kẹo…, nói chung là tất cả mọi thứ thải ra đều được trút hết xuống sông… thì tôi ngán ngẩm hiểu rằng, đó là do ý thức đơn giản nên dẫn tới hành động đáng chê trách đó.
Cách đây không lâu, trên đường đi khảo sát dọc sông Đồng Nai, chúng tôi thấy ở một vài khu dân cư đổ rác thành đống, rồi từ trên bờ, rác tràn xuống sông; có đoạn rác nổi lềnh bềnh từng mảng do bị kẹt lại dưới gốc cây hay bụi tre. Từ trên ca nô, chúng tôi còn chứng kiến cả xác động vật, như: chó con, chuột đến thời kỳ phân hủy, lững lờ trôi theo dòng nước. Đương nhiên, lâu ngày rác sẽ hòa tan trong nước, nhưng dòng sông luôn ẩn chứa nhiều mầm bệnh do nước bị ô nhiễm cục bộ.
Thời gian qua, đã có biết bao nhiêu lời kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ các dòng sông, nhưng đáng tiếc là, một số người còn quá hững hờ, thiếu trách nhiệm nên hàng ngày vẫn “đầu độc” dòng sông.
Đăng Minh (TP. BiênHòa)