Chị gái tôi cư trú tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa. Chị tôi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, có bảo hiểm y tế (BHYT). Ngày 31-8-2012, BHYT của chị tôi hết hạn nên gia đình đi đăng ký gia hạn. Nhưng thời điểm này, BHYT của chị tôi chuyển về BVĐK Biên Hòa, là nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu.
Chị gái tôi cư trú tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa. Chị tôi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, có bảo hiểm y tế (BHYT). Ngày 31-8-2012, BHYT của chị tôi hết hạn nên gia đình đi đăng ký gia hạn. Nhưng thời điểm này, BHYT của chị tôi chuyển về BVĐK Biên Hòa, là nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu. Vì chị tôi hiện đang bị liệt nên việc đi lại rất khó khăn, trong khi đó, chị hiện đang dùng thuốc của BVĐK tỉnh. Chính vì vậy, tôi đến liên hệ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh để xin chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu về BVĐK tỉnh và được hướng dẫn đưa hồ sơ về phường Quyết Thắng, nơi chị tôi cư trú.
Lần đầu đến UBND phường để làm thủ tục như hướng dẫn, tôi gặp nhân viên nữ phụ trách bảo hiểm. Thế nhưng, người này không nhận hồ sơ mà trả lời: “Đã mua BHYT cấp nào thì cứ theo đó thực hiện, không thay đổi được”. Mặc dù tôi đã xuống nước năn nỉ, giải thích, song nhân viên ấy nhất quyết từ chối, đồng thời chỉ tôi lên BHXH Biên Hòa. Đến BHXH Biên Hòa, tôi cũng được cán bộ hướng dẫn đem hồ sơ về phường để chính quyền địa phương tập hợp, rồi chuyển lên một lần. Quay về UBND phường Quyết Thắng, tôi gặp người nhân viên lần trước. Mới thấy mặt, chưa kịp nghe tôi trình bày thì chị ta đã lớn tiếng: “Dứt khoát tôi không nhận hồ sơ. Chị muốn đi đâu thì đi”. Quá thất vọng, nhưng vì nghĩ chị tôi hàng ngày cần những viên thuốc để ngăn chặn cơn động kinh (sau mổ não), tôi đến cầu cứu bác sĩ của BVĐK tỉnh xin giúp đỡ và được chỉ dẫn làm đơn xin chuyển nơi KCB ban đầu.
Mới đây, hồ sơ của chị tôi được lãnh đạo BHXH tỉnh đồng ý cho chuyển tuyến và đề nghị tôi đến BHXH TP.Biên Hòa để hoàn tất thủ tục. Tại đây, tôi được yêu cầu đem hồ sơ về phường để cơ sở biết. Khi nghe nói lại phải về địa phương, tôi phát hoảng vì sợ phải đối diện với người đã từng làm “khó” mình. Suy nghĩ của tôi thật không sai, thêm một lần nữa, cô nhân viên của phường cương quyết không nhận hồ sơ của chị tôi. Đáng kể là người này không hề ngó đến những giấy tờ liên quan đến người bệnh đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Khi viết bài này tôi tự hỏi, tại sao ở cơ quan công quyền của Nhà nước mà vẫn còn cá nhân không biết lắng nghe nguyện vọng của dân? Và nếu nhân viên ấy vẫn ở vị trí đó thì chắc hẳn công dân khác rất dễ bị “hành” như tôi.
Nguyễn Thị Huệ
(phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa)