Mới đây, nhân dịp về thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc thăm người quen, tôi chọn phương tiện xe buýt để đi lại. Sau thời gian đợi xe tại một nhà chờ ở thị trấn, có xe buýt tuyến số 10 dừng lại đón. Tuy nhiên, tôi vừa bước lên thì tài xế cho tắt máy xe, còn nhân viên bước xuống đường… chơi.
Mới đây, nhân dịp về thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc thăm người quen, tôi chọn phương tiện xe buýt để đi lại. Sau thời gian đợi xe tại một nhà chờ ở thị trấn, có xe buýt tuyến số 10 dừng lại đón. Tuy nhiên, tôi vừa bước lên thì tài xế cho tắt máy xe, còn nhân viên bước xuống đường… chơi. Thấy vậy, tôi liền hỏi anh tài xế: “Xe có chạy nữa không anh?”. Nghe tôi hỏi, tài xế quay lại trả lời: “Đi chứ, nếu không thì ghé vào đây làm gì?”. Tôi chưa kịp phản ứng thì một cậu phụ xe quay trở lại và “phán” một câu: “Bà này hỏi vô duyên quá”. Bị mắng bất ngờ, tôi rất ngượng nhưng đành ngồi im. Trong lúc xe dừng lại, bác tài ngồi trên vô lăng lớn tiếng nói chuyện với vài người quen dưới đường, nhưng liên tục chửi thề, văng tục rất mất văn hóa.
Hình ảnh này hoàn toàn ngược với thái độ, cử chỉ của nhân viên tuyến xe buýt số 14 mà tôi đi đến thị trấn trước đó. Kể cả tài xế, các nhân viên xe buýt tuyến số 14 nói chuyện với khách rất nhẹ nhàng. Đặc biệt là các cụ già, người khuyết tật được dìu đến tận ghế ngồi; khi xuống xe, họ được đỡ xuống một cách cẩn thận. Ngồi trên xe đó, tôi cùng nhiều hành khách khác cảm nhận được không khí thoải mái, nhẹ nhàng.
Thiết nghĩ, một lời nói, cử chỉ ân cần, lịch sự có lẽ không quá khó đối với những nhân viên xe buýt. Đó còn thể hiện được nét văn hóa trong giao tiếp, tạo hình ảnh đẹp cho ngành vận tải hành khách. Điều này cũng được xem là góp phần kêu gọi người dân tích cực tham gia giao thông bằng xe buýt, giảm được những rủi ro đáng tiếc trên các tuyến đường. Đã đến lúc ngành quản lý vận tải hành khách nên tổ chức lớp bồi dưỡng về văn hóa ứng xử cho nhân viên của mình. Ông bà ta từng dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, là điều các nhân viên xe buýt cần phải biết.
Vy Vy