Báo Đồng Nai điện tử
En

Học sinh có cần sử dụng điện thoại di động?

09:10, 07/10/2012

Theo quy định của hầu hết các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay học sinh không được phép sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học cũng như khi ra chơi.

Theo quy định của hầu hết các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay học sinh không được phép sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học cũng như khi ra chơi.

ĐTDĐ ngoài chức năng thông tin liên lạc, còn là tiện ích, như: quay phim, chụp ảnh, nghe nhạc, kết nối internet, chơi game… Chính vì vậy, không chỉ người lớn mà học sinh cũng có nhu cầu sử dụng ĐTDĐ. Thực tế, khi cha mẹ cho con sử dụng ĐTDĐ thì việc liên lạc, kiểm tra học hành, đi lại của con em khá thuận tiện. Tuy nhiên, nhiều học sinh THCS và THPT, thậm chí là tiểu học đã dùng ĐTDĐ để… chơi nhiều hơn việc tập trung học hành.

Giờ đây, học sinh đi học đem theo điện thoại di động không còn là cá biệt.
Giờ đây, học sinh đi học đem theo điện thoại di động không còn là cá biệt.

Hiện nay, chỉ cần khoảng 300-500 ngàn đồng là mua ngay được một điện thoại cầm tay loại xài được. Nếu có điều kiện thì với hơn 1 triệu đồng thì sẽ được sở hữu chiếc điện thoại khá xịn. Điều này không quá khó đối với những gia đình có kinh tế ổn định. Thực ra, phụ huynh nào cũng biết rõ lợi và hại khi học sinh sử dụng ĐTDĐ. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thu Diễm, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa cho biết, đã chọn cách quản lý con qua ĐTDĐ. “Vợ chồng tôi không có thời gian quản lý và đưa đón cháu đi học thêm, buộc lòng phải mua cho con ĐTDĐ để tiện liên lạc. Quả thật, đôi khi cũng rất lo cháu lạm dụng điện thoại chơi game, "chat" với bạn bè rồi lơ là việc học. Nhưng, do thường xuyên kiểm tra và thấy cháu khá tập trung vào bài vở nên tôi cũng yên tâm” - chị Diễm chia sẻ.

Về phía học sinh, nhiều em hiện nay đi học có đem theo ĐTDĐ. Em Kim Ngân, học sinh Trường THCS T. (TP. Biên Hòa) cho biết: “Lớp em có rất nhiều bạn đem theo ĐTDĐ. Giờ lên lớp, đa số để chế độ rung hay tắt nguồn, vì vậy thầy cô không phát hiện. Đến giờ chơi hoặc cần thiết, bạn bè mới liên hệ với nhau”. Trong khi đó, D.V., ngụ ở phường Tân Mai, học lớp 9 cùng trường với Ngân khẳng định, bạn bè phần lớn đều có điện thoại, nhưng lúc nào “alô” thì còn tùy mỗi người. Tuy nhiên, đã có nhiều học sinh bị thu máy vì giáo viên bắt gặp đang lén "chat". Theo D.V., không ít học sinh sử dụng điện thoại theo tiêu chí: sành điệu, thời trang, nhiều tiện ích. Phong trào “đua đòi” điện thoại diễn ra trong từng nhóm bạn, lớp học, chủ yếu tập trung vào những học sinh gia đình khá giả. Với những tính năng hiện đại của ĐTDĐ, nhiều em mê và cắm cúi với điện thoại. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và cả lối sống của học sinh. Số ít em còn bị ảnh hưởng từ ngôn ngữ “chat”, nói chuyện cộc lốc, dùng từ ngữ khó hiểu, thậm chí viết tắt ngay trong bài học.

Việc phụ huynh trang bị cho con em mình ĐTDĐ không có gì quá đáng. Song, cơ bản là cha mẹ cần quan tâm, giáo dục các em ý thức sử dụng ĐTDĐ hợp lý nhất.

Thanh Thi

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích