Ruộng lúa mỗi năm ba vụ xanh tốt bỗng trở thành ao nước khổng lồ vì bị lấp mất mương dẫn nước. Nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Phước Tân, nhưng ông Phạm Văn Đầy chỉ nhận được những lời hứa.
Ruộng lúa mỗi năm ba vụ xanh tốt bỗng trở thành ao nước khổng lồ vì bị lấp mất mương dẫn nước. Nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Phước Tân, nhưng ông Phạm Văn Đầy chỉ nhận được những lời hứa.
5 sào ruộng trồng lúa tại khu vực Miễu Ông Thần Què, thuộc tổ 1, ấp Đồng, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) của ông Đầy giờ chỉ để cho cỏ mọc. Nguyên nhân là do chủ mảnh đất bên cạnh, trong quá trình san lấp đã “quên” trả lại hiện trạng cho đường mương thoát nước.
* Ruộng thành ao
Mương nước bị lấp, còn gọi là rạch Bà Hùng, xưa nay rộng 3-4m, từ đây người trồng lúa của ấp Đồng dẫn nước ra vào ruộng đồng. Đường mương này đóng vai trò chống ngập quanh năm cho bà con nông dân trong khu vực. Mọi chuyện bắt đầu vào thời điểm tháng 4-2012, trong quá trình nâng cao thửa đất của mình, ông Lương Văn Đường, ở sát nhà ông Đầy đã vô tình lấp luôn mương nước, khiến nước không thể ra vào như trước.
Ruộng lúa ba vụ của ông Đầy giờ thành ao và chỉ để cỏ mọc. |
Trước đây, mỗi vụ lúa trung bình ông Đầy thu được 12-15 triệu đồng, tổng cộng một năm thu gần 50 triệu đồng/3 vụ. Nhưng, từ khi mương bị lấp, gia đình ông Đầy đành ngồi bó tay. Xót xa cho ruộng màu bị bỏ hoang, ông Đầy nhiều lần nói chuyện với ông Đường, nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa, rằng sẽ cho xe múc tới móc lại mương nước. Song, cây lúa vừa gieo thì không thể chờ nổi những lời hứa. Do đó, diện tích 5 sào sau khi xuống giống đều chết. Cho đến nay, đám ruộng chỉ có cỏ mới mọc nổi.
Nhìn ruộng lúa bị nước ngập sâu đến ngang lưng, ông Đầy nói như mếu: “Ruộng của tui giờ chỉ có nước nuôi cá thì may ra… thắng. Nhưng gia đình tui chỉ chuyên trồng lúa, “đổi nghề” sao được. Hơn nữa, muốn thả cá thì cũng phải có đường nước ra vào thì chúng mới lớn nổi. Đất canh tác không có, trong khi mấy sào ruộng phải bỏ hoang nên xót lắm. Trước giờ cả gia đình trông vào mảnh ruộng, nhờ đó kinh tế mới tạm ổn định. Giờ gia đình tui chẳng khác gì bị lấy mất chén cơm”.
* Ai chịu trách nhiệm?
Trước sự thờ ơ của ông Đường, ông Đầy gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Phước Tân. Sau đó, xã cử đoàn cán bộ tới khảo sát, và cũng hứa về việc đốc thúc ông Đường khai thông con rạch. Thế nhưng, tất cả lại đâu vào đấy, ông Đường thì thanh thản, còn gia đình ông Đầy chỉ biết nhìn ruộng thành ao mà rơi nước mắt.
Phân trần về điều này, ông Lương Văn Đường, chủ mảnh đất nói trên cho biết: “Tôi đã thỏa thuận với ông Đầy là sẽ xắn một mương nước chiều ngang 1 mét và sâu chừng nửa mét đi qua đám đất để ông có thể sản xuất như cũ”. Tuy nhiên, khi hỏi vì sao đến nay vẫn chưa làm thì ông Đường “vô tư” nói: “Do bận việc quá nên chưa thực hiện được. Nhưng tôi sẽ tiến hành trong nay mai thôi”. Nêu ý kiến của chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã Phước Tân Mai Tấn Tài nhấn mạnh: “Nhận được thông tin từ ông Đầy, chúng tôi đã xuống khảo sát và yêu cầu ông Đường phải nhanh chóng trả lại hiện trạng cho mương nước. Ông Đường có hứa sẽ làm ngay, nhưng chẳng hiểu sao đến giờ vẫn để tồn tại. Chúng tôi tiếp tục theo dõi xem ông Đường có thực hiện nghiêm túc lời đã hứa hay không. Chúng tôi cam đoan, nếu ông Đường mãi để vụ việc kéo dài, UBND xã sẽ có biện pháp thích hợp”.
Minh Đăng