Báo Đồng Nai điện tử
En

“Cò” hồ sơ nhà đất: Dẹp được không?

09:10, 14/10/2012

Lâu nay, tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) tỉnh chi nhánh Biên Hòa, ngoài chủ sở hữu tự đến làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, còn có không ít trường hợp do người khác ủy quyền đi thay…

Lâu nay, tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) tỉnh chi nhánh Biên Hòa, ngoài chủ sở hữu tự đến làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, còn có không ít trường hợp do người khác ủy quyền đi thay…

Những người được chủ nhà, đất ủy quyền thường gọi là “cò”, họ rất rành về thủ tục làm hồ sơ đăng ký QSDĐ. Mặt khác, số “cò” này rảnh rỗi nên chỉ cần bỏ công sức đi lại là có thể thu về từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho mỗi bộ hồ sơ (HS), sau khi hoàn thành giao ước.

* Hồ sơ đầy đủ, giải quyết nhanh

Thông thường, tâm lý người dân hay ngán ngại mỗi khi đi làm thủ tục đăng ký QSDĐ, bởi nghĩ rằng thủ tục rườm rà, đi lại mất thời gian nên giao khoán cho “cò”.

Người dân đến làm hồ sơ nhà đất tại Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh chi nhánh Biên Hòa.
Người dân đến làm hồ sơ nhà đất tại Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh chi nhánh Biên Hòa.

Trong khi đó, nếu HS đầy đủ thì việc giải quyết khá dễ dàng, nhanh chóng. Điển hình là trường hợp sang nhượng QSDĐ tại phường Quang Vinh. Đầu tháng 6-2012, anh Nguyễn Văn Ngọc ở ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán mua một miếng đất của người quen. Trong lúc đang tìm hiểu về lô đất, anh Ngọc được một người tìm đến và gợi ý, muốn ra giấy tờ nhanh thì ủy quyền cho anh ta thực hiện với giá 12 triệu đồng. Vì không còn tiền để thuê dịch vụ, anh Ngọc quyết định tự đi làm lấy. Thực tế, lô đất anh Ngọc mua có nguồn gốc rõ ràng, không tranh chấp, vì vậy chỉ sau 1 tháng đã hoàn tất HS mang tên anh.

Nói về quá trình được cấp QSDĐ của thửa đất mới mua, anh Ngọc chia sẻ: “Thực ra, tôi rất “ngán” khi phải tiếp cận với thủ tục hành chính liên quan đến nhà, đất, vì nghe nói rất phức tạp, nhiêu khê. Ban đầu tôi cũng tính nhờ “cò”, nhưng giá dịch vụ quá cao nên thôi. Không ngờ, trong quá trình làm HS chuyển nhượng, mới thấy chẳng có gì khó khăn. Ngoài những khoản thuế phải đóng theo quy định, tôi không tốn thêm chi phí nào”.

Nói về hoạt động của những người nhận làm hồ sơ đăng ký QSDĐ trên địa bàn TP.Biên Hòa, Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh chi nhánh Biên Hòa Phan Hùng Thanh cho biết, luật cho phép người khác đi làm HS thay gia chủ bằng giấy ủy quyền có xác nhận của chính quyền địa phương. Điều này không hạn chế số HS mà “cò” nhận. Chính vì vậy, nhiều khi phát sinh rắc rối. Chẳng hạn, chủ trương của chi nhánh là ưu tiên xem xét trước cho người đứng tên HS trực tiếp đến làm thủ tục, còn HS có giấy ủy quyền giải quyết sau. Do chậm hoàn thành giao ước về thời gian nên “cò” xúi chủ đất làm đơn khiếu nại.

* Coi chừng… “cò” gian!

Theo thống kê của Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh chi nhánh Biên Hòa, sau thời điểm 4 xã: Tam Phước, An Hòa, Long Hưng, Phước Tân của huyện Long Thành sáp nhập vào TP.Biên Hòa thì địa giới hành chính của thành phố có tổng diện tích trên 26.407 hécta, gồm 23 phường và 7 xã. Từ đó, HS đăng ký, chuyển nhượng QSDĐ tăng đáng kể.

Trong 9 tháng của năm 2012, Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh chi nhánh Biên Hòa giải quyết được 31.721/34.020 hồ sơ, đạt 93,24%. Trong đó, HS cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu hoặc đăng ký biến động về QSDĐ là 22.187 và 9.599 HS thuộc các dạng khác. Để công tác giải quyết HS được nhanh chóng, hạn chế số HS tồn đọng, chi nhánh bảo đảm từ nay đến cuối năm giải quyết 100% HS chuyển quyền trọn thửa, 70% HS cấp mới, 80% HS cấp đổi.

Hiện tại mỗi ngày, Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh chi nhánh Biên Hòa tiếp nhận và giải quyết vài trăm bộ HS về nhà, đất; cao gấp hàng trăm lần so với các địa phương khác, trong khi nhân viên thụ lý HS có giới hạn. Do đó, số lượng người hành nghề “cò” ở lĩnh vực này cũng tăng khá nhanh. “Hiện có khoảng 40 người chuyên làm dịch vụ HS về nhà, đất. Chỉ cần có trong tay giấy ủy quyền là họ có đủ điều kiện thay chủ nhà đi làm thủ tục. Thường một “cò” nhận cùng lúc 4-5 bộ HS. Đa số người làm dịch vụ đều khá “nhạy” với những trường hợp sẽ được giải quyết, hoặc còn vướng mắc. Thậm chí khi thấy niêm yết, thông báo những trường hợp được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ngay lập tức họ liên hệ với chủ đất, yêu cầu được làm thay với giá rất cao. Ngoài ra, có người còn giả mạo chữ ký gia chủ để cầm cố HS lấy tiền tiêu xài” - một nhân viên của chi nhánh nói. Riêng ông Phan Hùng Thanh nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, nếu HS chuyển nhượng đất đai đầy đủ thì không nên nhờ người khác làm thay. Trường hợp bắt buộc không tự nộp HS được thì ủy quyền cho người trong gia đình, khỏi tốn kém và tránh được những chuyện đáng tiếc”.

Theo ông Hùng Thanh, để hạn chế được tình trạng “cò” HS nhà, đất thì nhà nước nên có quy định rõ hơn về vấn đề ủy quyền. Mặt khác, cần cụ thể tổ chức, văn phòng được nhận ủy quyền làm dịch vụ nhà đất, mới có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Ngọc Liên

 

 

Tin xem nhiều