Năm học 2012 - 2013 đã đi được nửa học kỳ, nhưng nhiều phụ huynh (PH) vẫn phải lo chạy ngược chạy xuôi để có tiền đóng các khoản phí cho con em mình…
Năm học 2012 - 2013 đã đi được nửa học kỳ, nhưng nhiều phụ huynh (PH) vẫn phải lo chạy ngược chạy xuôi để có tiền đóng các khoản phí cho con em mình…
Học sinh hiện phải đóng nhiều khoản phí. |
Trong buổi họp PH tại một trường THCS ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa mới đây, do căng thẳng vì mức thu quỹ hội PH học sinh (HS) nhà trường đưa ra khá cao nên có người đã phản ứng gay gắt. Anh H.T. ở KP8, phường Hố Nai cho biết, theo thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Ban đại diện) thì mỗi học sinh phải đóng tiền quỹ là 300 ngàn đồng/học kỳ, đó là chưa kể các khoản phí khác. Trong khi đó, nhà trường còn trích một phần để chi cho việc sửa đường là không đúng với quy định. Cùng ý kiến như anh T., nhiều PH có con đang học tại một số trường trong tỉnh cũng thắc mắc và bức xúc về các khoản thu - chi trong năm học này.
* Đủ loại quỹ
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, quỹ của Ban đại diện mỗi nơi tổ chức thu khác nhau. Thông thường, quỹ do Ban đại diện của trường thống nhất mức đóng cùng PH, sau đó thu, quản lý và dùng để hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động phục vụ giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, không ít trường còn tổ chức thu các loại quỹ: tăng tiết, vệ sinh, thư viện, in đề thi và giấy thi, chữ thập đỏ, khuyến học... Có một số trường, trung bình mỗi HS vào đầu năm học phải đóng nhiều khoản với số tiền từ 500 ngàn đến gần 1 triệu đồng. Có thể nói, đối với gia đình có thu nhập trung bình hoặc khá giả thì số tiền này không là nỗi lo, song những hộ đông con, cuộc sống khó khăn thì quả là một gánh nặng. Thực ra, một số nơi vì muốn tên tuổi của trường được “nổi” nên ép học sinh đi học sớm hơn quy định; đồng thời bắt PH đóng các khoản phí cao ngất ngưởng, khiến dư luận kêu ca không ít.
* Thiếu sự thống nhất…
Theo đánh giá của một số giáo viên, các khoản thu tại đa số các trường như hiện nay không quá cao. Các nội dung cần thiết thu: tăng tiết, phụ đạo HS yếu… thì mức phí khoảng 100 ngàn đồng/HS là hợp lý.
Thực tế trong thời gian qua, nếu theo đúng quy định thì kinh phí hoạt động của nhà trường, như: sửa chữa trường lớp, nâng cấp hạ tầng, vệ sinh, bảo vệ… đều được chi từ tiền ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách cấp đều không đủ nên các trường phải kêu gọi sự ủng hộ của PH. Mặt khác, thực hiện Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực từ 7-1-2012) về điều lệ Ban đại diện đã không cho phép sử dụng nguồn quỹ vào các hoạt động như trước.
Trả lời ý kiến PH Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ), cho rằng nhà trường thu nhiều khoản bất hợp lý, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Chiến cho biết: Trường THPT Võ Trường Toản đã cho HS học trước 6 tuần và thu học phí 600 ngàn đồng/HS khối 12; tạm thu 822 ngàn đồng/HS khối 10 là sai quy định. Mặt khác, quy định HS yếu phải đóng tiền thi lại 200 ngàn đồng/môn/HS; HS có hạnh kiểm yếu phải rèn luyện trong hè đóng 150 ngàn đồng/HS; đóng quỹ sửa chữa cơ sở vật chất cho nhà trường… mới dự kiến chứ chưa thực hiện. Việc tổ chức lớp học phụ đạo cho HS yếu kém thực tế thu 900 ngàn đồng/HS có sự đồng ý của PH và Bộ GD-ĐT cũng có chủ trương về vấn đề này. Vấn đề thi nghề, nhà trường thu các khoản: 95 ngàn đồng tiền học phí, 35 ngàn đồng tiền lệ phí dự thi gửi về tỉnh, 60 ngàn đồng tiền ôn thi và mua vật tư, không có gì sai. Trong lần làm việc với Ban giám hiệu nhà trường mới đây, Sở đã yêu cầu phải kịp thời khắc phục những sai trái trong thời gian qua. |
Nói về việc gây quỹ cho trường, ông Hồ Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc chia sẻ: “Để bảo đảm thực hiện tốt thông tư, và tạo điều kiện cho các hoạt động của nhà trường, chúng tôi thống nhất cùng PHHS thu một số khoản phí phục vụ cho công tác giảng dạy và sinh hoạt, vui chơi cho các em HS. Thế nhưng, vẫn còn có những phản ảnh của PH. Qua đại hội PH, chúng tôi đã giải thích kịp thời và đều được PH đồng tình ủng hộ”.
Trao đổi về tình trạng mâu thuẫn giữa PHHS và nhà trường, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh: “Nhiều trường lâu nay chưa thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền nhằm giải thích rõ các khoản thu, chi cho PH. Bên cạnh đó, một số nơi Ban đại diện chưa xác định được chức năng của mình, có khi ôm đồm nhiều việc vượt ra khỏi quy định, điều lệ. Theo tôi, vai trò của Ban đại diện rất quan trọng, họ phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của PH, vận động những gia đình có điều kiện kinh tế khá đóng góp cho quỹ và kịp thời giúp đỡ những gia đình khó khăn. Một khi công tác thu - chi tài chính được công khai để các bậc PH hiểu rõ, thì mới tạo được sự đồng thuận giữa nhà trường và PH”.
Ngọc Liên