Hơn 8 năm qua, trên 40 hộ dân ở ấp 6 và ấp 8 của xã Phú Tân, huyện Định Quán không có điện sử dụng. Để có nguồn sáng sinh hoạt, mỗi xóm xin dùng chung đường điện kéo từ nơi khác về…
Hơn 8 năm qua, trên 40 hộ dân ở ấp 6 và ấp 8 của xã Phú Tân, huyện Định Quán không có điện sử dụng. Để có nguồn sáng sinh hoạt, mỗi xóm xin dùng chung đường điện kéo từ nơi khác về…
Mặc dù đường dây điện trung thế đã vào đến xã và đường dây hạ thế chỉ còn cách vài trăm mét, nhưng đến nay, mơ ước có điện thắp sáng của người dân 2 ấp trên, không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
* Ăn cơm dưới ánh sáng đèn dầu
Dù đã có nhiều cuộc họp, cũng như những lời hứa chắc nịch của chính quyền địa phương về đường dây điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho bà con ấp 6 và ấp 8, nhưng giờ đây, chiếc đèn dầu ngày nào vẫn còn xuất hiện trong những bữa cơm của nhiều gia đình nơi đây.
Đèn dầu vẫn xuất hiện hàng ngày trong nhà bà Nguyễn Thị Lụa. |
Năm 1994, đường dây điện trung thế kéo tới xã Phú Tân, khiến người dân nơi đây khấp khởi mừng thầm vì nghĩ chắc không còn bao lâu nữa khu vực này sẽ có điện. Hơn nữa, một khi có điện thì cuộc sống bà con sẽ mở ra hướng mới, canh tác nhẹ nhàng hơn và không còn mất khoản chi phí lớn mua dầu chạy máy nổ để tưới tiêu. Thế nhưng niềm vui ấy chợt đến, rồi lại đi khi đường dây hạ thế kéo về gần tới khu dân cư bỗng dưng… dừng lại. Sau đó, cả xóm phải câu nhờ điện từ nơi khác tới. Đường dây 220V cách xa hàng km, song có tới 40 hộ cùng dùng khiến nguồn điện chập chờn lúc sáng, lúc tắt là chuyện thường ngày ở đây. Mọi người thường chua xót nói với nhau: Dân ấp này sang lắm, “ngủ đèn điện, ăn cơm đèn dầu”. Bởi khi cả ấp cần có điện vào đầu buổi tối thì bóng đèn liên tục chớp tắt; đến khuya, lúc mọi người đi ngủ thì chúng mới sáng.
Nói về cuộc sống hàng ngày của gia đình mình, bà Nguyễn Thị Lụa, ngụ ấp 8 than: “Mấy năm trước, gia đình tôi sắm tivi, tủ lạnh. Đợi mãi không có điện về nên giờ mấy thứ đó chỉ để “làm kiểng”. Trước bữa ăn chiều mỗi ngày, tôi đều phải mang bóng đèn dầu đi rửa. Chẳng biết đến bao giờ người dân chúng tôi mới hết cảnh xài đèn “cổ” nữa?”. Tương tự là trường hợp của ông Phòng A Pat ở ấp 6. Do nhà ở quá xa đường dây nên muốn xài ké điện cũng không được, vì bóng đèn không thể sáng nổi. Hàng tuần, ông Pat phải đến cây xăng cách nhà gần 50 km để mua dầu dự trữ đốt đèn.
* Hy vọng rồi… thất vọng
Hầu hết bà con ở ấp 6 và ấp 8 đều làm vườn với các loại cây trồng, như: tiêu, cà phê. Hàng năm, có đến 6 tháng mùa khô phải tưới nước cho cây. Bà Lê Thị Vân (ấp 6) cho biết, nhà có 1,5 hécta cà phê, mùa nắng trung bình mỗi tuần tưới một lần tốn khoảng 30 lít dầu. Với giá mua vài chục ngàn đồng/lít như hiện nay thì mỗi năm chi phí cho riêng phần nhiên liệu đã hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, nếu có điện và tưới bằng máy bơm thì chỉ tốn chừng 3 triệu đồng.
Ông Phòng A Pat trước đường dây 220V kéo từ xa vào khiến chất lượng điện yếu. |
Nhắc lại câu chuyện lưới điện trung thế đã về tới địa phương từ lâu nhưng bà con không được hưởng, ông Lê Văn Đực, Trưởng ấp 8, xã Phú Tân bức xúc: “Những trụ điện hạ thế xung quanh kéo gần tới ấp chúng tôi thì dừng lại. Chỉ cần kéo thêm 2km đường dây nữa là đường điện thông suốt toàn xã. Thế nhưng, 2 ấp bao năm nay mòn mỏi đợi chờ, cứ hy vọng rồi lại thất vọng. UBND xã hứa nhiều lần là sẽ dẫn điện vào đến nhà dân, nhưng mãi không thấy thực hiện”. Giải thích vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân Lê Quang Thắng nói: “Chúng tôi rất hiểu nỗi bức xúc và mong mỏi của bà con. Nhưng phải chờ kế hoạch được duyệt và kinh phí từ tỉnh cấp xuống thì mới tiến hành thi công được”.
Theo ông Thắng, điện lực quy định khoảng cách từ trụ điện trung thế tới trụ hạ thế đúng 1,2km. Vì vậy, muốn có điện về tới khu dân cư, phải đầu tư thêm trụ trung thế, từ đó mới hoàn thành đường dây hạ thế. Chi phí cho công đoạn này khoảng 2 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch đưa điện về hai ấp 6 và 8 mà UBND xã kiến nghị từ năm 2010, vẫn đang trong giai đoạn chờ phê duyệt. Cũng theo ông Thắng, ngoài ấp 6 và 8, xã Phú Tân còn có các ấp: 2, 3, 5 cũng đang mòn mỏi chờ điện.
Minh Đăng