Những năm qua, ngành y tế Đồng Nai luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ (BS) tuyến cơ sở. Trong đó, đáng chú ý là việc liên kết đào tạo với các trường đại học y dược đã phần nào đáp ứng yêu cầu về lâu dài…
Những năm qua, ngành y tế Đồng Nai luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ (BS) tuyến cơ sở. Trong đó, đáng chú ý là việc liên kết đào tạo với các trường đại học y dược đã phần nào đáp ứng yêu cầu về lâu dài…
Những sinh viên có hộ khẩu tại Đồng Nai đủ điều kiện có thể được xét chọn tham gia hệ đào tạo BS, diện hợp đồng theo địa chỉ (ĐTTĐC). Đây là chủ trương chung của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn cho địa phương về tỷ lệ BS/số dân.
* Thiếu 1 ngàn bác sĩ
Chương trình ĐTTĐC được thực hiện từ năm 2008, đến nay đã có 143 sinh viên của tỉnh đang học tại các trường đại học y dược: Huế, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Riêng năm nay, có thêm 7 học sinh theo học tại Trường đại học y dược Cần Thơ. Tuy nhiên, số học sinh được ĐTTĐC hàng năm vẫn còn rất ít so với nhu cầu của tỉnh.
Bác sĩ tuyến cơ sở, nguồn nhân lực rất cần thiết nhưng chưa đáp ứng đủ. Ảnh: N.LIÊN |
Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh nêu rõ, đến năm 2015, ngành y tế phải đạt 8 BS/vạn dân và 3,5 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên/BS. Như vậy, để đạt mục tiêu trên, Đồng Nai còn thiếu khoảng 1 ngàn BS và 6,5 ngàn điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh. Chia sẻ vấn đề này, BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Chương trình ĐTTĐC sẽ giúp tỉnh giải quyết tình trạng khó khăn về nhân lực hiện nay của ngành. Ở Đồng Nai, các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Cẩm Mỹ… còn thiếu nhiều BS; chẳng hạn, Vĩnh Cửu mới chỉ có 2,6 BS/vạn dân. Những năm qua, chúng tôi đã thực hiện các chính sách ưu đãi để kêu gọi BS về công tác tại địa phương này, nhưng do đây là vùng sâu, vùng xa nên gần như không thể “hấp dẫn” BS. Về lâu dài, chúng tôi đang khuyến khích học sinh ở Vĩnh Cửu đăng ký thi tuyển vào các trường y, nhưng điều này rất khó vì mặt bằng học lực của các em còn khá thấp”.
Theo bản cam kết ban đầu, sinh viên học theo chương trình ĐTTĐC của tỉnh sẽ được hỗ trợ học phí; sau khi tốt nghiệp ra trường, phải chấp hành sự phân công của tỉnh, kể cả thời gian phục vụ trong ngành y tế, ít nhất là 10 năm.
* Cơ hội cho học sinh trong tỉnh
Không chỉ giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực cho tỉnh, chương trình ĐTTĐC còn tạo cơ hội cho các thí sinh (TS) bị rớt trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y dược. Nhìn chung, những TS đăng ký thi tuyển vào các trường này thường có học lực khá, giỏi nhiều năm liền. Bên cạnh đó, điểm sàn của các trường cũng rất cao so với những ngành học khác. Nhiều trường hợp TS làm bài tốt, điểm thi chỉ thấp hơn điểm sàn 1 hoặc nửa điểm nên không thể vào đại học. Căn cứ điểm thi đại học, các trường ĐTTĐC sẽ chọn những TS đạt tiêu chuẩn và gửi về địa phương có nhu cầu để động viên TS tham gia chương trình ĐTTĐC.
Theo BS. Huỳnh Minh Hoàn, đến cuối năm 2011, Đồng Nai có 6.149 cán bộ chuyên môn trong ngành y, trong đó có 1.361 BS. Tỷ lệ này đạt 37 cán bộ y tế/vạn dân và 5,2 BS/vạn dân. Số trạm y tế có BS trong định biên đạt 85%, tăng 24% so với năm 2005. Tuy nhiên, số lượng nêu trên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Để nhanh chóng giải quyết những khó khăn về nhân sự, thời gian tới tỉnh sẽ đề xuất lên Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - đào tạo cho phép các trường đại học y dược trong nước đào tạo riêng theo nhu cầu cho Đồng Nai với số lượng lớn hơn. Ngoài ra, tỉnh sẽ liên kết với các trường đại học đủ tiêu chuẩn, có uy tín của Malaysia đào đạo đội ngũ BS chất lượng cao... |
Là sinh viên đang học năm 2, ngành bác sĩ đa khoa của Trường đại học Cần Thơ, Đặng Sỹ Trung (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) cho biết, khi nhận được thông báo đi học BS theo chương trình ĐTTĐC của tỉnh, cả nhà Trung đều vỡ òa trong niềm vui mừng. Trung tâm sự: “Em rất vui vì ước mơ là BS của mình được thực hiện. Chương trình này đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh như em có cơ hội để thực hiện những gì mình mong mỏi. Hơn nữa, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí học tập, nên gia đình cũng bớt được gánh nặng về chi phí ăn học cho em. Hiện tại, việc học của em cùng một số bạn khác quê Đồng Nai tiến triển tốt. Chúng em đều mong sớm hoàn thành chương trình học để về quê hương phục vụ”.
Cùng suy nghĩ như Trung, Lê Nguyễn Uyên Phương (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cũng đang háo hức chuẩn bị cho năm học tiếp theo của mình. Phương bộc bạch: “Được học để quay về phục vụ quê hương là niềm vinh hạnh cho chúng em. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều trường hợp được tham gia chương trình ĐTTĐC của tỉnh”.
Ngọc Liên