Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã có hiệu lực từ 1-7-2008, nhưng đến nay mỗi năm vẫn có khoảng 800 vụ BLGĐ xảy ra ở các địa phương trong tỉnh.
Đường sẹo dài vĩnh viễn trên mặt chị H. là hậu quả của bạo lực gia đình. |
Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã có hiệu lực từ 1-7-2008, nhưng đến nay mỗi năm vẫn có khoảng 800 vụ BLGĐ xảy ra ở các địa phương trong tỉnh.
Nạn nhân của những vụ BLGĐ chủ yếu là chồng hành hạ vợ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phần lớn là do kinh tế khó khăn, quan điểm sống, nhận thức chênh lệch, tập quán khác nhau… dẫn đến mâu thuẫn. Độ tuổi hay xuất phát hành vi BLGĐ trong khoảng 16 - 59. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số được thống kê trên cơ sở nạn nhân tìm đến các cơ quan chức năng. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp khác, từ BLGĐ nhẹ đến nặng nhưng không được báo nên không thể ghi nhận.
* Mọi kiểu hành hạ
Hơn 40 năm nay, bà T.M. ở xã La Ngà, huyện Định Quán luôn phải sống trong tình trạng hồi hộp mỗi khi đi làm về, bởi người chồng luôn say xỉn rồi chửi bới vợ con. Mỗi khi thấy chồng “ngoắc cần câu”, bà M. và các con trốn ra sau vườn để tìm sự yên tĩnh và tránh… bị đòn. Đã có lần, mấy mẹ con bà M. phải ngủ đêm luôn ngoài vườn. Thế nhưng, bà M. vẫn cố gắng chịu đựng để con cái yên tâm học hành mà không báo cho chính quyền địa phương.
Nhiều trường hợp BLGĐ có tính chất nghiêm trọng, khiến nạn nhân phải mang thương tật, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Điển hình là chị B.H., ở phường Quang Vinh. Do không chịu nổi chồng cờ bạc, khi thua độ hay la mắng nên chị H. đã làm đơn ly hôn. Sau ly hôn, chị H. đã bị ông chồng này dùng dao sắc nhọn rạch mặt, gây thương tật 24%. Vụ việc xảy ra, chị H. phải mang thương tật suốt đời và người chồng phải trả giá bằng 30 tháng tù giam. Nhớ lại cảnh bị hành hạ, chị H. mệt mỏi than: “Tôi rất lo khi ra tù, ông chồng vũ phu sẽ tiếp tục tìm tôi để gây rối. Điều này nhiều khả năng xảy ra, vì bản chất anh ta là người thô bạo. Hơn nữa, thời gian qua vì phải lo chi phí điều trị khuôn mặt nên tôi rất khó khăn. Trong khi đó, số tiền bồi thường mà tòa yêu cầu chồng đưa đến nay vẫn chưa nhận được. Tôi đã làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa để nhờ can thiệp”.
Còn rất nhiều vụ BLGĐ có tính chất phức tạp mà nạn nhân là những người vợ trẻ. Có người phải ở nhà nuôi con nhỏ, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng. Có người vì con nên dù có xảy ra chuyện gì họ cũng cố chịu đựng và chấp nhận sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.
* Xử lý ra sao?
Để ngăn chặn và giảm bớt về số lượng cũng như mức độ trong BLGĐ, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TTDL) đã vận động, thành lập 460 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (CLB GĐBV) tại các ấp, khu phố trong tỉnh. Con số này mới chỉ đạt gần 50% tổng số ấp, khu phố toàn tỉnh (1.006 ấp, khu phố). Tại các phường, xã hiện nay cũng đã có Ban phòng chống BLGĐ. Mặt khác, tại các địa phương đều có nhà tạm lánh và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng giúp nạn nhân tìm đến. Nhà tạm lánh lâu nay là các trạm y tế xã, phường; còn địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là trưởng ấp, già làng hoặc các cán bộ xã, phường có uy tín đứng ra can thiệp khi nạn nhân có yêu cầu. Tuy nhiên thời gian qua, số người tìm đến những địa chỉ này không nhiều. Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 325 vụ BLGĐ xảy ra nhưng chỉ có 66 người tìm đến các địa chỉ tin cậy; 7 nạn nhân trong các vụ BLGĐ đến các cơ sở y tế để khám.
Trao đổi về tình hình BLGĐ, bà Hoàng Ngọc Điệp, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TTDL) cho biết, nạn nhân trong các vụ BLGĐ thời gian qua thường không nắm rõ tổ chức, hoạt động ở ấp và khu phố nên không biết kêu cứu ở đâu. “Thực tế, khó có thể xóa hết nạn BLGĐ, vì trong cuộc sống, mâu thuẫn trong gia đình rất dễ phát sinh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến BLGĐ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập các CLB GĐBV, và nhóm phòng chống BLGĐ tại các phường, xã. Bên cạnh đó, động viên mọi người tích cực tham gia vào các tổ chức này” - bà Điệp nhấn mạnh.
Ngọc Liên