Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Trảng Bom: Đường dây 500kV bao giờ hoàn thành?

09:09, 09/09/2012

Dự án xây dựng đường dây điện 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, đoạn thuộc huyện Trảng Bom đã gần hoàn thiện các hạng mục. Thế nhưng, nhiều hộ dân tiếp tục thắc mắc về giá cả bồi thường, nên hiện công trình phải tạm ngưng...

Dự án xây dựng đường dây điện 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, đoạn thuộc huyện Trảng Bom đã gần hoàn thiện các hạng mục. Thế nhưng, nhiều hộ dân tiếp tục thắc mắc về giá cả bồi thường, nên hiện công trình phải tạm ngưng...

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này vẫn chỉ là mức giá đền bù giải tỏa giữa người bị thu hồi đất và các bên liên quan chưa thống nhất.

* “Đền bù chưa thỏa đáng!”

Đó là bức xúc của những hộ dân có đất nằm trong dự án. Đề cập tới mức giá đền bù mà Ban quản lý dự án đưa ra, ông Phạm Văn Một, ngụ tổ 9, khu 4, ấp Thuận Trường, xã Sông Thao, người có hơn 2 ngàn mét vuông đất bị thu hồi, cho biết: “Nhà tôi đất mặt tiền, trồng lúa mỗi năm hai vụ, thu nhập mấy chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi đền bù, mức giá thấp hơn giá niêm yết đến mấy chục lần nên chúng tôi không chấp nhận”.

Đường dây 500kV đi ngang qua huyện Trảng Bom hiện đã hoàn thành các hạng mục, nhưng phải tạm ngưng.
Đường dây 500kV đi ngang qua huyện Trảng Bom hiện đã hoàn thành các hạng mục, nhưng phải tạm ngưng.

Để chứng minh cho điều bất hợp lý này, ông Một đưa ra bảng báo giá đất, đăng trên Báo Đồng Nai số 1263, ra ngày 18-1-2007. Theo đó, 1m2 đất ở vị trí 2, huyện Trảng Bom, tức vị trí đất của ông Một, có giá đền bù là 420 ngàn đồng/m2. Trong khi đó, giá thông báo của Hội đồng bồi thường ngày 15-10-2010 thì giá đất của ông Một chỉ 40 ngàn đồng/m2. Ngoài ra, dù chấp nhận với giá đất Hội đồng bồi thường đưa ra, ông Một cũng chỉ nhận được 60%, khoảng 24 ngàn đồng/m2. Lý do vì đất ông Một không bị thu hồi để phục vụ theo yêu cầu xây dựng dự án, mà đường điện chỉ chạy ngang qua. Nhắc đến vấn đề này, ông Một nói: “Mức hỗ trợ chỉ được 60% thì nông dân làm được gì. Dù đất không bị thu hồi, nhưng không cho làm bất cứ chuyện gì, kể cả làm nhà, canh tác dưới đường điện. Đất của tôi giờ không còn giá trị gì”.

Tương tự là trường hợp ông Hồ Sao Kim, ngụ tại 40/2, ấp Thuận Hòa, xã Sông Thao. Ông Kim có hơn 1.200m2 đất  bị thu hồi. Trên diện tích này, ông Kim trồng chôm chôm được 15 năm và đang cho thu hoạch, hàng năm thu về vài trăm triệu đồng. Nhận định về “số phận” của mảnh đất nằm dưới đường dây điện 500kV, ông Kim nhẩm tính, mỗi cây chôm chôm được đền bù là 500 ngàn đồng/cây. Thế nhưng, tiền đầu tư trồng lại cây mới không dưới 1,5 triệu đồng/cây, và 3 năm sau mới cho thu hoạch. Như vậy, nếu cưa bỏ vườn cây chôm chôm này thì coi như những năm đầu ông Kim không những thất thu, mà còn phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để có được một vườn chôm chôm như bây giờ.

* Tắc trách trong tính toán?

Trong những nguyên nhân khiến người dân không đồng tình với giá đền bù như đã nêu trên, thì ngay cả việc tính toán chi tiết cũng có sự “nhầm lẫn” khiến người dân bất bình. Cụ thể, hộ ông Phạm Văn Một có hơn phân nửa diện tích đất thu hồi được trồng lúa, nhưng trong bảng tổng hợp thông tin để bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Trảng Bom không đề cập tới. Trong khi đó, hộ ông Chu Ngọc Minh phần diện tích bằng nửa ông Một, nhưng do có ghi đất trồng lúa nên số tiền ông Minh nhận được chỉ thấp hơn vài triệu đồng so với ông Một. Không chỉ vậy, người dân còn thắc mắc về hành lang giới hạn của lưới điện là bao nhiêu. Điều này, UBND huyện trả lời là 31m, nhưng đơn vị tư vấn điện lực 3 khẳng định, ngoài phạm vi 42m thì mới không bị ảnh hưởng từ trường.

Giải thích về những vướng mắc của người dân liên quan đến dự án đường dây điện 500kV, ông Trần Minh Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng bồi thường và tái định cư, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Trảng Bom, nhấn mạnh: “Rất nhiều lần chúng tôi đã giải thích cho bà con là tất cả những quyết định về giá đất đều được làm đúng theo trình tự pháp luật. Theo Nghị định số 81/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với đất nông nghiệp trong hành lang an toàn lưới điện đến 500kV, được hỗ trợ 60% mức giá đất nông nghiệp tương ứng do UBND quy định tại thời điểm thực hiện hỗ trợ. Như vậy, các hộ dân của huyện Trảng Bom thuộc trường hợp này đã được xét duyệt và áp dụng mức giá đúng như quy định”.

Theo ông Khánh, đường dây 500kV là dự án quan trọng nhằm tăng cường liên kết và chuyển tải công suất từ Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ vào hệ thống điện, tạo nguồn điện công suất lớn, ổn định cho khu vực Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, càng kéo dài thời gian thực hiện dự án, thì việc cung cấp điện trong thời gian tới chắc chắn toàn bộ khu vực sẽ bị ảnh hưởng.

Minh Đăng

 

 

 

Tin xem nhiều