Lâu nay, tình trạng không đội mũ bảo hộ (MBH) cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy diễn ra khá phổ biến. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Thượng tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Đồng Nai nhấn mạnh:
Thượng tá Dương Thanh Hải. |
Lâu nay, tình trạng không đội mũ bảo hộ (MBH) cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy diễn ra khá phổ biến. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Thượng tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Đồng Nai nhấn mạnh:
- Việc các bậc phụ huynh không đội MBH cho con em mình, không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn thiếu trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Đã đến lúc ngành chức năng tăng cường xử phạt hành vi vi phạm này.
* Ông nhận định vấn đề người tham gia giao thông chở một hoặc nhiều trẻ em trên xe mô tô, xe gắn máy, xe điện nhưng không đội MBH như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh đã tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu để chấp hành đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ phụ huynh vi phạm vấn đề này. Không ít người chưa ý thức được việc đội MBH là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con em mình. Thời gian qua, phần lớn các bậc phụ huynh mới chỉ trang bị MBH cho mình, mà chưa quan tâm đến việc đội MBH cho con trẻ với nhiều lý do: sợ các cháu nặng đầu, dễ gây nguy hiểm vùng cổ. Có người còn bao biện rằng, chỉ đi một đoạn ngắn, đội mũ cho trẻ cồng kềnh, vướng víu. Nhiều trường hợp chỉ cho trẻ đội MBH khi qua những điểm có CSGT để tránh bị xử phạt. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đều quy định và có khung xử phạt đối với hành vi không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
* Thưa ông, đối với những trường hợp vi phạm không bị công an phát hiện, xử lý nhưng qua hình ảnh báo đài hoặc người dân phản ảnh thể hiện rõ biển số xe, địa điểm vi phạm (như trường hợp Báo Đồng Nai đã nêu trên trang 12, ngày 15-9) thì công an có thể xử phạt “nguội” không?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 77% người lớn ở Việt Nam đội MBH đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, trong khi trẻ em chỉ chiếm 32%. Bên cạnh đó, nếu trẻ đội MBH có chất lượng, đúng quy cách giúp giảm nguy cơ chấn thương đầu tới 69%, giảm 42% nguy cơ tử vong khi bị tai nạn giao thông. |
- Việc xử lý trường hợp vi phạm không đội MBH thời gian qua còn nhiều khó khăn do quân số của lực lượng CSGT còn ít nên không thể bố trí cán bộ, chiến sĩ đứng trước cửa các trường tiểu học để xử lý vi phạm. Mặt khác, khó phân biệt được trẻ em từ 6 tuổi trở lên, vì thực tế trẻ em ngày nay phát triển về thể trạng rất tốt. Thời gian qua, chúng tôi mới chỉ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền là chính, chưa xử lý hành chính các vụ vi phạm cụ thể. Riêng những trường hợp vi phạm không bị công an phát hiện, nhưng do báo đài, người dân phản ảnh thể hiện rõ biển số xe, địa điểm vi phạm, nếu xét thấy hành vi vi phạm là nguy hiểm cho xã hội, như: điều khiển xe mô tô, gắn máy chạy lạng lách đánh võng, điều khiển xe một bánh, đứng ngồi trên yên, buông hai tay khi điều khiển xe… thì lực lượng CSGT sẽ tiến hành xác minh, mời người có hành vi vi phạm đến xác nhận chứng cứ. Khi xác định chính xác đối tượng vi phạm, sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định.
Người đàn ông chạy xe máy trong ảnh vi phạm nhiều lỗi: không đội mũ bảo hộ cho mình và cho trẻ em phía sau; nghe điện thoại di động khi điều khiển xe và chạy ngược chiều trên đường có dải phân cách cứng, gây nguy hiểm cho người lưu thông đúng chiều. Thanh Toàn |
* Để giảm được tình trạng vi phạm Luật Giao thông, qua hành vi không đội MBH cho trẻ em, thời gian tới ngành CSGT có kế hoạch cụ thể gì không, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng và nhà trường để tuyên truyền cho phụ huynh có con em ở bậc tiểu học chấp hành nghiêm pháp luật giao thông; yêu cầu phụ huynh viết bản cam kết phải đội MBH cho con em mình khi đi trên xe mô tô, gắn máy. Theo quy định tại điểm k, khoản 3, điều 9 Nghị định 34 thì hành vi “Chở người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi không đội MBH…” mức phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.
* Xin cảm ơn ông!
Ngọc Liên (thực hiện)