6 năm nay, cứ vào mùa mưa là hơn 40 hộ dân thuộc ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch lại phải chống chọi với tình trạng ngập nước. Mưa xuống, nước không thoát được khiến nhà, vườn và đường ngập lênh láng…
6 năm nay, cứ vào mùa mưa là hơn 40 hộ dân thuộc ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch lại phải chống chọi với tình trạng ngập nước. Mưa xuống, nước không thoát được khiến nhà, vườn và đường ngập lênh láng…
Nước ngập hầu như ở mọi chỗ ở ấp 4 khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Chỗ ngập ít cũng nửa mét, nhiều thì gần qua đầu người nên đã nhấn chìm những vườn cây ăn trái. Dù người dân đã làm mọi cách để cải thiện cảnh ngập lụt này, nhưng tình hình có vẻ ngày càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, sau mỗi cơn mưa, cả xóm phải ngồi chờ đến 4 tiếng đồng hồ thì nước mới rút. Trước mảnh vườn tiêu điều, có người phải bỏ nhà, bỏ đất đến chỗ khác sinh sống; người bám trụ lại cũng phải cắn răng chịu đựng mỗi khi mưa xuống.
* Tan hoang miệt vườn
Người dân của ấp 4 cho biết, trước đây khi chưa bị ngập nước, khu vực này là những vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả. Dạo ấy, mỗi gia đình thu về từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đó là chuyện của 6 năm trở về trước. Còn bây giờ, người dân chống chọi với nước lũ, là hình ảnh thường thấy của những đợt mưa lớn kéo dài.
Một người dân ấp 4 chỉ vào khu vườn nay bị bỏ hoang. |
Chỉ vào mảnh vườn hơn 2 công đất lổn ngổn cỏ dại, ông Nguyễn Văn Bo, 70 tuổi, người dân ấp 4 tiếc rẻ nói: “Gia đình tôi đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức vào đây, nhưng chỉ mấy mùa ngập nước coi như trôi hết. Trước kia, mỗi khi mưa là nước chảy về khu vực suối Cạn rồi thoát hết. Nhưng từ khi phía đầu nguồn con suối có dự án khu công nghiệp, nhà đầu tư san ủi đất rồi… để đó khiến cả vùng không còn chỗ thoát nước, người dân lãnh đủ”. Cách đây không lâu, hàng trăm mét tường gạch xây quanh vườn của nhà ông Bo bị nước cuốn sập; mấy chục gốc bưởi, chôm chôm của nhà ông cùng mảnh vườn cây của hai người con ở kế bên, giờ chỉ còn trơ lại gốc. Cùng chung hoàn cảnh như ông Bo là gia đình anh Võ Thành Được. Hiện tại, mảnh vườn cây ăn trái 2,6 công đất của anh Được chỉ còn duy nhất một cây tràm và cỏ dại là trụ được. Anh Được than: “Mỗi lần ngập nước là khắp vườn, nhà, sân phủ một lớp đất bùn. Nhưng loại bùn này có mang theo chất dầu đen rất nhớt, nên chỉ một thời gian là cây chết hết”.
Giải thích về việc người dân phản ảnh thời gian qua, UBND xã cho hút cát để bán, điều này đã góp phần làm trầm trọng hơn tình hình ngập úng, Phó chủ tịch UBND xã Long Thọ Huỳnh Thế Vinh khẳng định: “Việc hút cát chỉ để khơi thông dòng chảy của dòng suối Cạn. Trong tháng 9 tới, xã sẽ khởi công xây dựng đường cống thoát nước để giải quyết tình trạng ngập úng thời gian qua. Nhưng có lẽ người dân phải chịu cảnh ngập hết mùa mưa này, vì dự kiến đầu năm sau công trình mới hoàn thành. Với những hộ dân bị thiệt hại về cây ăn trái và nhà cửa, lãnh đạo xã cũng đã lập tờ trình trình UBND huyện xem xét, giúp đỡ cho bà con”. |
Đưa chúng tôi đến chùa Phước Thanh, có khoảnh vườn rộng hàng ngàn mét vuông bị “giải tỏa trắng” bởi cát. Nơi này trước kia là vườn cây sầu riêng trên hàng chục năm tuổi. Nói về sự tơi tả của vườn cây trái trong chùa, Ni sư Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa cho biết: “Những năm trước, mưa dù có lớn cũng chỉ ngập chừng 2 tiếng đồng hồ là nước rút hết. 2 năm trở lại đây, mỗi cơn mưa, vườn của nhà chùa ngập quá nửa, cây chết dần. Mới đây, chùa Phước Thanh thuê người xây những chiếc bồn bao quanh các gốc cây để đối phó với tình trạng ngập liên tục này, nhưng xem ra khó có thể cứu vãn nổi”.
* Điêu đứng vì nước ngập
Người dân ấp 4 không chỉ bị ảnh hưởng đến kế sinh nhai, khi toàn bộ nhà vườn trước kia là nguồn thu chủ yếu của gia đình, mà các hộ dân ở đây còn phải gồng mình sống chung với nước ngập.
Đồ dùng trong nhà dân phải kê lên cao. |
Nhà anh Nguyễn Văn Đông là “điển hình” của sự đảo lộn của các vật dụng sinh hoạt. Trong đó, bàn, tủ thờ được đắp thêm chân bằng những trụ xi măng. Riêng chiếc giường được thiết kế cao gần 1,5m so với mặt đất. Anh Đông nói: “Kê cao là vậy, nhưng chỉ chống chọi được mấy đợt mưa nhỏ, còn mưa lớn coi như chẳng thấm gì. Đáng kể là vườn tược bỏ hoang, nghề nghiệp không có nên chẳng biết làm gì để sống”. Tương tự, cô Phan Thị Ngọc Kiếm bức xúc: “Nước ngập khiến tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế hư hỏng hết; ngay cả đàn gà, vịt cũng bị cuốn trôi đi. Mỗi lần mưa là mỗi lần khốn khổ, song sau đó phải bỏ tiền sửa nhà, nâng nền tốn kém nên không thể cứ nâng mãi được. Cho nên bây giờ, người dân ấp 4 chúng tôi chỉ còn biết chấp nhận sống chung với nước ngập”. Cách đây một năm, do chịu không nổi cảnh sống ngập nước nên ông Dương Thanh Liêm phải bán nhà, đất để chuyển tới nơi khác.
Ông Huỳnh Thế Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Long Thọ, cho biết: “Tình trạng ngập ở ấp 4 mỗi khi mưa về, xảy ra khoảng 6 năm nay. Nguyên nhân là vì phía đầu nguồn của suối Cạn có 300 hécta đất đã được san phẳng để xây dựng khu công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Chính vì vậy, mỗi khi mưa, nước tràn xuống khu dân cư rất nhanh. Đối phó với tình trạng này, xã đã cho xây một bờ kè dài 600m để hạn chế dòng chảy của nước. Tuy nhiên, bờ tường này chỉ hạn chế một phần ngập úng”.
Minh Đăng