Đó là một trong những nội dung mới được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về những điểm mới tại nghị định này, Đại tá Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết:
Đó là một trong những nội dung mới được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về những điểm mới tại nghị định này, Đại tá Văn Quyết Thắng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết:
Từ 5-8, người sử dụng điện thoại tại cây xăng sẽ bị xử phạt 2-5 triệu đồng. |
- Nghị định 52/2012/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 123/2005/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Trong đó có nhiều điểm mới, như: một số hành vi trước đây nếu vi phạm chỉ bị nhắc nhở, thì nay sẽ bị phạt tiền; mức phạt cũng cụ thể và cao hơn.
* Đại tá nói rõ hơn về những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 52?
- So với Nghị định 123 thì Nghị định 52 có thêm 5 điều, quy định chi tiết từng hành vi và mức phạt. Theo đó, vi phạm về PCCC trong sử dụng điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt… tại những nơi có quy định cấm, như: tại các cây xăng, kho dầu mỏ, trạm chiết nạp, kho chứa hóa chất dễ cháy nổ... sẽ bị phạt từ 100 ngàn đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn có quy định việc xử lý hành vi vi phạm về an toàn PCCC trong thiết kế, thi công, kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét. Ví dụ, nếu không lắp đặt hệ thống chống sét cho nhà và công trình thuộc diện phải lắp đặt thì bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Riêng những trường hợp để xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình cũng bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Nghị định mới cũng quy định thêm trường hợp bị trục xuất đối với vi phạm của người nước ngoài tại Việt Nam.
* Việc sử dụng điện thoại tại những cây xăng sẽ dẫn tới nguy hiểm tới mức nào, thưa Đại tá?
- Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều tai nạn cháy nổ tại cây xăng, nguyên nhân là do sử dụng điện thoại di động tại những nơi không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC. Ở nước ta hiện nay, các kho chứa xăng, dầu, khí hóa lỏng… đều sử dụng hệ thống kiểm soát đo đếm điện tử, phục vụ cho công việc xuất nhập hàng. Do đó, nếu có tác động của sóng điện từ (có thể phát ra từ điện thoại di động) sẽ làm tăng nguy cơ phát tia lửa điện, dẫn đến cháy nổ. Vì vậy, nếu chấp hành tốt quy định thì sẽ tránh được tai nạn xảy ra cho chính người sử dụng thiết bị, cũng như tính mạng và tài sản của những người xung quanh.
* Thưa Đại tá, theo nghị định mới thì những tổ chức nào được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong PCCC?
Điều 11, Nghị định 52/2012/NĐ-CP của chính phủ quy định: Người nào mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm sẽ bị phạt từ 100-200 ngàn đồng; sẽ tăng lên 500 ngàn đồng nếu sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy định… |
- Theo quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC gồm các lực lượng công an, chính quyền địa phương và được phân cấp mức phạt từng cấp. Đối với hành vi nghe điện thoại di động tại cây xăng thì lực lượng cảnh sát phòng cháy hoặc các lực lượng khác được phân công theo thẩm quyền sẽ thực hiện việc bắt “quả tang”, lập biên bản và ra quyết định xử phạt từ 2-5 triệu đồng. Có thể nói, hành vi nêu trên dễ phát hiện nhưng xử lý sẽ rất khó vì nghị định lại không quy định xử phạt tại chỗ. Vì vậy, muốn xử phạt thì phải lập biên bản, thu giữ tang vật, trong khi tang vật điện thoại là phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cấp phường, xã chỉ được tạm giữ tang vật có giá trị dưới 2 triệu đồng, như vậy nếu điện thoại có giá trị cao hơn thì chính quyền địa phương sẽ không dễ xử lý. Trong khi đó, lực lượng có thẩm quyền khác thì không thể cử người giám sát thường xuyên tại các cây xăng để bắt “quả tang”. Đây cũng là một trong những trở ngại trong việc tiến hành xử lý hành vi này. Do vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của người dân và nhân viên cây xăng trong việc phát hiện, nhắc nhở người vi phạm. Trường hợp cố tình không chấp hành, có thể báo ngay với cơ quan chức năng để xử phạt.
Kim Liễu