Vài chục năm trước, khi ra chợ, các bà nội trợ thường xách giỏ. Sau này, trước biến động của nền kinh tế thị trường, túi ny-lông (TNL) là vật dụng không thể thiếu trong mọi sinh hoạt đời thường. Đến nay, hầu hết người vào chợ thường đi tay không, vì mua bất kỳ món nào cũng được người bán cho vào TNL.
Vài chục năm trước, khi ra chợ, các bà nội trợ thường xách giỏ. Sau này, trước biến động của nền kinh tế thị trường, túi ny-lông (TNL) là vật dụng không thể thiếu trong mọi sinh hoạt đời thường. Đến nay, hầu hết người vào chợ thường đi tay không, vì mua bất kỳ món nào cũng được người bán cho vào TNL.
Có thể nói, hiện tại không ít người chưa nhận thức được TNL là một trong những loại rác khó phân hủy nhất. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực ngày 1-1-2012) quy định, TNL là 1/8 mã hàng hóa phải chịu thuế cao ở mức 30-50 ngàn đồng/kg.
* Nhu cầu tiện dụng
Việc đánh thuế cao TNL là nhằm hạn chế việc sử dụng loại túi này, từng bước giảm dần nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Song, do yếu tố tiện dụng của TNL nên nhu cầu trong sinh hoạt hàng ngày của xã hội dường như vẫn không giảm.
Rất ít người còn thói quen xách giỏ mỗi khi ra chợ. |
Tại các chợ truyền thống, hầu hết các mặt hàng đều được người bán đựng trong TNL cho khách, từ rau, cá, trái cây đến quần áo, chén dĩa... Tại chợ Hóa An, chị Hoa, công nhân Công ty Pouchen, đang xách hai tay khá nhiều đồ được đựng dồn trong hai chiếc TNL lớn cho biết: “Ngày nào đi chợ về cũng soạn ra hơn chục TNL, mua có nửa ký cá nhưng phải đựng trong 3 lớp bọc vì sợ nước cá chảy ra dính vào đồ ăn khác, 1 bó rau 5 ngàn đồng cũng cho vào 1 túi riêng, rồi hành tỏi, ớt… nên thùng rác nhà mình lúc nào cũng có nhiều túi TNL”.
Vừa tiện lại vừa rẻ nên TNL luôn được người tiêu dùng lựa chọn vì nó không ảnh hưởng nhiều đến việc phát sinh chi phí. Theo chị Nguyễn Thị Kim Loan, một tiểu thương chợ Biên Hòa, rất khó bỏ thói quen dùng TNL bởi sự tiện lợi của nó, dù tăng giá nhưng vẫn thấp hơn các loại túi khác hiện nay: “Mỗi ngày tôi bán khoảng 20kg TNL các loại. Khách hàng của tôi là những người buôn bán lẻ nên ngày nào họ cũng lấy hàng với số lượng ổn định. Cách đây vài tháng, TNL có tăng giá nhưng lượng bán ra vẫn không giảm, vì nếu không dùng TNL thì không biết đựng đồ cho khách hàng bằng gì”- chị Loan cho biết thêm.
* Biết hại vẫn dùng
Thông tin về sự tác hại nặng nề đến môi trường của TNL được cảnh báo hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo các nhà khoa học, TNL có thể tồn tại trong môi trường không có ánh nắng mặt trời hàng chục năm, và nó là tác nhân gây ra sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hiện nay, hầu như bất kỳ món đồ nào cũng được đựng trong túi ny-lông. |
Dù biết quá rõ tác hại, nhưng nhiều người vẫn không thể bỏ thói quen dùng TNL để đựng đồ dùng. Trước đây, hầu hết người đi chợ thường mang theo giỏ xách thì nay chỉ việc đi tay không vì đã có TNL thay thế. Chị Trần Thị Út, ở phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa lâu nay vẫn thường đi chợ không mang theo giỏ xách vì theo chị, dùng túi đựng được nhiều đồ hơn và dễ máng trên xe. Không chỉ giỏ xách mà ngay cả việc mua đồ ăn nóng bây giờ cũng được sử dụng TNL để đựng rất phổ biến. Đây là nguy cơ gây ngộ độc và mắc bệnh ung thư rất cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan tâm đến sự tiện ích hơn. “Tôi nghe nói, dùng TNL đựng đồ ăn nóng có thể gây ung thư nhưng thấy mọi người vẫn sử dụng nên mình làm theo. Hơn nữa, bây giờ ít ai mua đồ ăn mà mang theo cà-mèn để đựng nên nếu mình xách loại này thấy ngượng” - chị Út bộc bạch.
Rõ ràng, cuộc sống hàng ngày của xã hội đã phụ thuộc quá nhiều vào TNL, mà không màng đến những tác hại của nó. Nên chăng cần có những biện pháp thiết thực và đẩy mạnh phong trào “nói không” với TNL để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho mọi người.
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) cho biết: “Qua điều tra, khảo sát cho thấy thành phần TNL trong rác thải chiếm tỷ lệ khoảng 0,7-12,1%. Sở TN-MT đã phối hợp với nhiều tổ chức, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai… tổ chức tập huấn, tuyên truyền về tác hại của TNL đối với môi trường; phát 12.500 tờ rơi tuyên truyền về hạn chế sử dụng TNL; phát gần 11.500 túi vải, túi sinh thái nhằm thay thế TNL cho các đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư… Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm hạn chế sử dụng TNL; khuyến khích sử dụng các loại túi đựng thân thiện với môi trường theo quy định mới tại Thông tư số 07 của Bộ TN-MT ban hành ngày 4-7-2012”. |
Ngọc Liên