Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông trường cao su Long Thành: Hàng chục ngàn m2 đất bị chiếm dụng

10:08, 05/08/2012

Trước những thông tin liên quan đến hàng chục ngàn m2 đất thuộc Nông trường cao su Long Thành bị người dân lấn chiếm xây nhà, mới đây lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo xã Tam Phước phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát và có hướng giải quyết dứt điểm…

Trước những thông tin liên quan đến hàng chục ngàn m2 đất thuộc Nông trường cao su Long Thành bị người dân lấn chiếm xây nhà, mới đây lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo xã Tam Phước phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát và có hướng giải quyết dứt điểm…

Quyền Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm cho rằng, tình trạng lấn chiếm trái phép đất Nông trường cao su Long Thành, trước tiên là do sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị chủ quản; kế đến là chính quyền địa phương xã Tam Phước thiếu kiên quyết trong việc xử lý, đồng thời các phòng ban chuyên môn của thành phố thiếu kiểm tra đối với việc sử dụng đất, cũng như trật tự xây dựng trên địa bàn.

* Quản lý lỏng lẻo…

Cho đến nay, tại khu vực thuộc đất Nông trường cao su Long Thành (nằm trên địa bàn ấp Long Đức 3, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã có hàng chục căn nhà xây kiên cố với tổng diện tích hơn 16 ngàn m2. Rộ nhất từ năm 2011, khi phát hiện nhiều hộ dân chiếm dụng đất cao su, lực lượng bảo vệ nông trường đứng ra ngăn chặn, song do không có chức năng xử phạt hành chính nên không thể xử lý. Chính vì vậy, những ngôi nhà tiếp tục được xây dựng trước sự bất lực của cơ quan chủ quản.

Những căn nhà xây trái phép trên đất Nông trường cao su Long Thành.
Những căn nhà xây trái phép trên đất Nông trường cao su Long Thành.

Thực tế, những hộ xây dựng nhà trái phép trên đất nông trường thường tiến hành vào thứ bảy hoặc chủ nhật  - những ngày chính quyền địa phương nghỉ làm việc. Vì vậy, khi nhận được tin báo từ phía nông trường thì phải qua đầu tuần sau, lực lượng chuyên trách mới đến lập biên bản xử phạt hành chính và đình chỉ thi công trước sự việc… đã rồi.

Đáng kể là, nếu như việc phối hợp kiểm tra, giám sát giữa nông trường và chính quyền địa phương chặt chẽ hơn thì có thể ngăn chặn những trường hợp tương tự xảy ra. Đằng này, cả hai bên cùng lơ là nên tình trạng lấn chiếm đất công liên tục tiếp diễn. Căn nhà khang trang nhất trong số các nhà được xây dựng lén lút trên đất thuộc Nông trường cao su Long Thành là của ông Nguyễn Văn Sinh. Theo chủ nhà, khu vực mà ông đang ở rộng khoảng 300m2 được mua bằng giấy tay với giá 350 triệu đồng. Ông Sinh là người thứ 5 sang tay mảnh đất này. Năm 2011, ông Sinh tiến hành làm nhà. Trong quá trình xây dựng, công trình cũng bị chính quyền địa phương ra quyết định đình chỉ thi công, nhưng thấy lực lượng chức năng dễ dãi, thiếu cương quyết nên căn nhà vẫn hoàn thành. Ông Sinh thừa nhận, một khi chính quyền và nông trường xử lý mạnh tay hơn thì chắc chắn chẳng ai dám tạo dựng nơi ở trên đất cao su.

* Đất công thành tài sản riêng

Ngoài trường hợp của ông Sinh, các gia đình xây nhà trái phép tại đây, phần lớn là công nhân lao động từ nơi khác đến. Một số hộ dân ở khu vực này cho biết, nghe giới thiệu là đất khai hoang nên họ mua lại từ người khác với giá hàng trăm triệu đồng.

Để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất Nông trường cao su Long Thành, quyền Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm yêu cầu lãnh đạo UBND xã Tam Phước vận động những hộ dân đã làm nhà trên diện tích này phải trả lại hiện trạng đất ban đầu cho nông trường. Lãnh đạo thành phố giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Phòng Tư pháp, chính quyền địa phương xã Tam Phước và Đội Thanh tra xây dựng củng cố hồ sơ để sớm thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp tự ý xây dựng trên đất Nông trường cao su Long Thành trong thời gian qua…

Chị Hoàng Thị Tám, ngụ ấp Long Đức 3, xã Tam Phước thổ lộ: “Đất ở đây rẻ nên tôi mua, mặc dù biết chắc chính quyền địa phương không thể chứng giấy tờ cho việc mua bán này. Hơn nữa, thấy nhiều người xây nhà quá dễ nên tôi mạnh dạn làm theo”.

Tương tự, Anh Lê Quốc Đà, bộc bạch: “Tôi mua đất làm nhà nhưng chẳng thấy ai hỏi tới. Khi công trình gần xong thì mới có người đến cấm cản, không lẽ đập bỏ?”. Không kể những ngôi nhà kiên cố gần mặt tiền quốc lộ 51, trên đất Nông trường cao su Long Thành còn có một dãy nhà trọ xây dựng dưới đường điện cao thế, do ông Trần Văn Nghĩa, công nhân của nông trường đã nghỉ việc làm chủ. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nghĩa khẳng định, vào những năm 1990, sau khi nông trường chặt cao su để tạo hành lang an toàn lưới điện thì gia đình ông đã trồng trọt trên đất ấy. Sau quá trình sử dụng mười mấy năm, gần đây gia đình ông Nghĩa mới đầu tư phòng trọ để kinh doanh.

* Trách nhiệm thuộc về ai?

Không chỉ lấn chiếm xây nhà trái phép, một số hộ dân đang rao bán đất nông trường với những nền nhà được phân lô rạch ròi. Bên cạnh đó, có người còn chặt, đốt bỏ cây cao su rồi xây tường bao quanh để bảo vệ, trong khi khu vực này cách trụ sở UBND xã chừng 500m.

Nói về thực trạng đất nông trường bị dân chiếm dụng, bà Đinh Kim Huê, Giám đốc Nông trường cao su Long Thành cho biết, năm 1996 nông trường thanh lý cao su. Sau đó, một số người đã lợi dụng khu vực này nằm dưới hành lang lưới điện cao thế nên đã lấn chiếm sử dụng. Ban đầu, họ trồng hoa màu trên diện tích ấy, về sau tất cả đều nhận là đất khai hoang. Từ đó dẫn đến chuyện phân lô bán nền như hiện nay. Bà Huê thừa nhận, nông trường chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc quản lý đất đai nên để xảy ra nhiều vụ chiếm đất cao su. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tam Phước thì năm 1993, Nông trường cao su Long Thành cho công nhân mượn đất để sản xuất. Vì thời gian sản xuất kéo dài, số diện tích này lâu ngày bị đơn vị chủ quản quên khiến mạnh ai nấy chiếm làm của riêng. Tình trạng sang bán đất cao su bằng giấy tay diễn ra rất phức tạp, khiến địa phương khó xử lý...

Ban CTBĐ

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích