Lâu nay, người dân sinh sống tại các khu phố 7, 8, 9, 11, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa mong chờ được cung cấp nước sạch để dùng, bởi khu vực này bị ảnh hưởng chất độc dioxin của Mỹ. Thế nhưng, hết năm này qua năm khác, họ vẫn chưa đạt được mong ước đó…
Lâu nay, người dân sinh sống tại các khu phố 7, 8, 9, 11, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa mong chờ được cung cấp nước sạch để dùng, bởi khu vực này bị ảnh hưởng chất độc dioxin của Mỹ. Thế nhưng, hết năm này qua năm khác, họ vẫn chưa đạt được mong ước đó…
Hàng ngàn hộ dân phường Tân Phong hiện phải sử dụng nước giếng. |
Theo ông Cao Quý, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong, toàn phường hiện có 8,7 ngàn hộ dân với gần 45 ngàn nhân khẩu. Riêng các khu phố 7, 8, 9, 11 có 5,6 ngàn hộ và 25 ngàn nhân khẩu. Trong đó, KP7 và 8 chỉ có 50% hộ dân có nước máy; KP9 có được vài chục hộ/hơn 1 ngàn hộ; KP11 có số dân đông nhất (gần 11 ngàn) thì hoàn toàn chưa có nước sạch.
* Mong chờ từng ngày
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị sớm có nước sạch để dùng. Ông Nguyễn Hữu Tích, một cựu chiến binh ngụ ở nhà số 80B1, đường Nguyễn Kiên, KP9 cho biết, hầu hết các hộ dân ở đây đều mong có nước sạch sử dụng. Ông Tích cho rằng, thời gian gần đây, tại khu vực này có khá nhiều gia đình có người thân chết do bệnh ung thư, rất có thể liên quan đến tồn dư của độc chất hóa học dioxin Mỹ đã rải trong chiến tranh Việt Nam. “Nguyên nhân do đâu thì chúng tôi không thể khẳng định được, nhưng người dân luôn bị ám ảnh về thông tin khu vực này bị nhiễm dioxin rất nặng. Trong khi suốt thời gian qua, hàng ngày chúng tôi vẫn phải uống nguồn nước lấy trực tiếp từ lòng đất ngay tại điểm "nóng" này”. Cũng theo ông Tích, đa số người dân ở đây là những quân nhân, sinh sống từ những ngày đầu sau giải phóng đến nay. Rất nhiều người đã từng chiến đấu trên mảnh đất này nên hiểu được mức độ nguy hiểm của vùng đất bị nhiễm dioxin, nhưng vì hoàn cảnh nên vẫn phải tiếp tục bám trụ ở vùng đất… không lành này.
Nằm cạnh KP9, KP11 hiện có gần 3 ngàn hộ dân với trên 10 ngàn dân sinh sống, 50% số dân sống tạm trú trong các khu nhà trọ hoặc gia đình mới chuyển từ nơi khác đến. 100% người dân KP11 chưa có nước máy sinh hoạt, phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan. Nói về mong mỏi của người dân về nước sạch, ông Phạm Thừa ngụ nhà số 25, đường Nguyễn Văn Tiên, tổ 37 chỉ đằng sau nhà mình và tâm sự: “Phía sau nhà tôi là kho chứa chất độc dioxin của Mỹ. Tôi và con trai đều phát hiện bị nhiễm dioxin. Riêng con gái đã 10 tuổi nhưng kém phát triển nên học 4 năm lớp 1 vẫn không lên lớp được. Chúng tôi chỉ mong sớm có nước sạch để dùng, các cháu được sống trong môi trường không còn nguy cơ bị nhiễm độc”.
* Bao giờ có nước sạch cho dân?
Người dân ở những khu phố chưa có nước sạch thắc mắc, đường ống nước chính đã đi qua những khu vực thuộc phường Tân Phong, nhưng không hiểu sao vẫn chưa triển khai lắp đặt đường ống vào nhà dân. Từ 2008 đến nay, nhân viên Công ty TNHH một thành viên xây dựng cấp nước Đồng Nai liên tục đi đo vẽ rồi chẳng thấy quay lại. Ông Nguyễn Đình Lương, Bí thư Chi bộ KP9, bộc bạch: “Tôi đã dẫn nhiều nhân viên cấp nước đi đo từng đường trong khu phố, song chẳng thấy động tĩnh gì. Vì chờ đợi quá lâu nên người dân kiến nghị tự bỏ tiền để đi đường nước vào nhà. Tuy nhiên, chi phí quá cao, nhiều gia đình không có khả năng thanh toán nên cuối cùng ráng phải… chờ”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng cấp nước Đồng Nai cho biết, Dự án (DA) cấp nước phường Tân Phong đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ nguồn ngân sách 68 tỷ đồng. Hiện DA đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế. Dự kiến, nếu được ghi vốn ngân sách kịp thời thì DA sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Trước bức xúc của người dân ở KP9 và 11, công ty quyết định cho xây dựng trước tuyến ống nước bằng nguồn vốn vay, khoảng 5,7 tỷ đồng. Kế hoạch này đang trong giai đoạn báo cáo kinh tế kỹ thuật, sau đó sẽ chọn nhà thầu thi công. Nếu không có gì trục trặc, công trình này sẽ hoàn thành vào quý IV-2012.
Ngọc Liên