Thông qua một “cò” đất, năm 2006, có 6 người đã mua 17 lô nền nhà trong dự án tái định cư Đại Lộc ở xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, những trường hợp này chỉ cầm được hồ sơ đất photo và tờ giấy viết tay…
Thông qua một “cò” đất, năm 2006, có 6 người đã mua 17 lô nền nhà trong dự án tái định cư Đại Lộc ở xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, những trường hợp này chỉ cầm được hồ sơ đất photo và tờ giấy viết tay…
“Cò” đất ngày trước chính là ông Nguyễn Khắc Dũng, nguyên Trưởng ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Khi đó ông Dũng khẳng định, 17 nền nhà ông mua từ những hộ dân trong xã được tái định cư vì nhà, đất bị giải tỏa nhưng họ không có nhu cầu sử dụng nên bán lại. Tin lời của ông Dũng, 6 người ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh không ngần ngại trao tiền và được ông Dũng viết biên nhận tay.
* Bỏ tiền… mua giấy!
Mỗi lô đất ông Dũng rao bán có diện tích trung bình khoảng 140m2. Để thuyết phục người mua, Trưởng ấp Dũng đưa cho mọi người xem hồ sơ của các hộ dân chờ được cấp nền nhà tái định cư. Toàn bộ số hồ sơ này gồm hợp đồng sang nhượng và giấy ủy quyền mà ông Dũng ghi sẵn những thông tin liên quan. Hơn nữa, trong giấy biên nhận, ông Dũng còn ghi: “Nếu Nhà nước không cấp đất tái định cư cho các hộ có nhà, đất bị giải tỏa, thì tôi Nguyễn Khắc Dũng sẽ hoàn lại số tiền đã nhận. Ngoài ra, các hộ nêu trên được cấp nền nhà mà đổi ý không bán nữa, thì tôi Nguyễn Khắc Dũng phải bồi hoàn gấp 2 lần số tiền đã nhận”. Tưởng đã chắc ăn, lần lượt 6 người mua đưa cho ông Dũng tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng của 17 lô đất. Điều đáng nói là ngoại trừ tờ giấy biên nhận viết tay thì ông Dũng chỉ đưa cho người mua bộ hồ sơ được photo chứ không phải bản gốc. Tất cả giấy tờ này chỉ có chữ ký của hai bên mua bán cùng người làm chứng, không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Đinh Văn Ích, Nguyễn Văn Thắng là những nạn nhân của vụ mua đất. |
Tháng 11-2007, UBND huyện Nhơn Trạch thông báo, chỉ có 8/17 hộ đã bán nền nhà cho ông Dũng được cấp đất tái định cư. Trong 8 hộ này chỉ duy nhất hộ ông Bùi Hoàng Dân, ngụ ấp 3, xã Phú Thạnh chấp nhận giao phần đất cho ông Dũng. Tuy nhiên, ông Dũng đã “lật kèo”, không thực hiện hợp đồng cho bất kỳ người nào trong số 6 trường hợp đưa tiền trước đó, mà bán lại cho người khác với số tiền cao hơn.
* Gian dối hay lừa đảo?
Bà Nguyễn Thị Bảy, ông Đinh Văn Ích, Nguyễn Văn Thắng là 3/6 nạn nhân của việc mua đất… trên giấy đều nói: “Ông Dũng từng tuyên bố với chúng tôi: "Anh chị yên tâm, cả xã này không có đất thì quý vị mới trắng tay". Đến khi công bố những ai được cấp đất thì chúng tôi mới biết mình đã bị lừa”.
Ngày 30-5-2011, Công an huyện Nhơn Trạch ra quyết định khỏi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với “cò” Dũng, vì can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngày 20-7-2011, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch đã hủy các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và yêu cầu cơ quan điều tra huyện Nhơn Trạch đình chỉ các hoạt động tố tụng. Giải thích về quyết định này, ông Nguyễn Văn Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch cho biết, ông Dũng dù đã nhận tiền của người mua, nhưng vì không nhận được đất nền tái định cư nên không thể đáp ứng được cam kết giữa hai bên. Đây chỉ là tranh chấp nên phải giải quyết theo hướng dân sự.
“Từ khi vụ việc đổ bể đến nay, chưa lần nào ông Dũng nói sẽ trả lại tiền cho 6 người đã được ông ký giấy chuyển nhượng đất nền trong khu tái định cư. Bây giờ chúng tôi chỉ yêu cầu ông Dũng thực hiện đúng những gì đã cam kết, phải trả lại tiền cùng lãi suất ngân hàng trong suốt thời gian qua. Chúng tôi nghĩ rằng, hành vi gian dối của ông Dũng đã quá rõ ràng, nhưng vì sao cơ quan pháp luật lại không xử lý. Nếu như ông Dũng cố tình chiếm đoạt khoản tiền đã nhận, thì ai sẽ trả lại sự công bằng cho chúng tôi?” - những người đưa tiền cho ông Dũng để mua nền nhà nói. |
Cùng quan điểm trên, ông Phan Văn Thắng, Trưởng phòng 1, Phòng Kinh tế và chức vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhấn mạnh: “Chúng tôi thông cảm với nỗi bức xúc của người bỏ tiền mua nền nhà mà không được làm chủ. Song, giấy tờ chuyển nhượng giữa ông Dũng và 6 đối tác trong vụ việc này đều thể hiện bằng giấy viết tay, không có bìa đỏ và không có xác nhận của chính quyền địa phương nên theo luật, hợp đồng đó vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Đương nhiên, ông Dũng buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận trước đây cho những trường hợp đã có quan hệ mua bán nêu trên. Nếu không đồng ý, những người đã nộp tiền cho ông Dũng có thể khởi kiện ra tòa án dân sự. Quá trình giải quyết việc này, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch đã làm đúng chức năng và quyền hạn”.
Minh Đăng