Hai hồ sơ đấu giá cùng gửi bưu điện một thời gian, thế nhưng chỉ có một hồ sơ được tham gia, hồ sơ còn lại bị từ chối vì lý do gửi trễ hạn…
Hai hồ sơ đấu giá cùng gửi bưu điện một thời gian, thế nhưng chỉ có một hồ sơ được tham gia, hồ sơ còn lại bị từ chối vì lý do gửi trễ hạn…
Ông Đoàn Anh Dũng, ngụ tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa gửi hồ sơ tham gia đấu giá mua xe ô tô thanh lý hiệu Toyota Corona theo thông báo mời đấu giá của Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC) với giá khởi điểm là 40 triệu đồng. Ông Dũng mua hồ sơ và đã đặt tiền cọc 10 triệu đồng theo quy định tại Chi nhánh BIC, trụ sở đặt tại phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa.
Ông Đoàn Anh Dũng đến gửi đơn khiếu nại tại Báo Đồng Nai. |
Ngày 16-4-2012, ông Dũng gửi hồ sơ ra Hà Nội bằng đường bưu điện để tham gia đấu giá theo yêu cầu của Chi nhánh BIC. Sau một thời gian chờ đợi không thấy hồi âm, ông Dũng tới Chi nhánh BIC hỏi thăm thì được biết đã có hai người cùng đưa ra mức giá trùng nhau là 156 triệu đồng. Chi nhánh BIC đã tổ chức cho bốc thăm tại Đồng Nai và một người thắng cuộc. Trước sự việc “đã rồi” này, làm ông Dũng không khỏi ngạc nhiên, bởi mức giá mà ông tham gia mức khởi điểm là 178 triệu đồng, cao hơn giá bán cho người trúng mua xe này 22 triệu đồng. Bất bình trước sự việc khá uẩn khuất như đã nêu, ông Dũng gửi đơn phản ảnh đến các cơ quan chức năng.
Nói về việc mình bị gạt khỏi cuộc đấu giá trên, ông Dũng bức xúc kể: “Chi nhánh cho rằng mọi việc do tổng công ty quyết định. Mặt khác, trong khi những người cùng tham dự đấu giá đều được đơn vị tổ chức gửi thông báo kết quả, riêng tôi thì không. Tôi yêu cầu họ chuyển kết quả này thì được trả lời là sẽ gửi sau, nhưng mãi vẫn chưa thấy. Theo tôi, việc thẩm định hồ sơ đấu giá xe do BIC tổ chức có gì đó khuất tất nên mới dẫn đến chuyện người đấu giá cao thì rớt, còn trường hợp đưa ra giá thấp lại thắng…”.
Sốt ruột vì phải chờ đợi mãi, ngày 7-5, ông Dũng gửi đơn khiếu nại lên BIC. Trong văn bản trả lời ông Dũng, BIC cho rằng hồ sơ này không được tham gia mở thầu vì lý do đến trễ hơn so với thời gian quy định (sau 9 giờ 30 ngày 18-4-2012). Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, khi đến bưu điện để làm thủ tục chuyển hồ sơ cho tổ chức bán đấu giá là BIC, cả ông và ông N.V.H. đã gửi đi cùng lúc. Vì sao BIC lại chỉ công nhận tính hợp lệ về thời gian của hồ sơ ông N.V.H. là điều cần làm rõ. Bởi xác nhận của cơ quan bưu chính cho thấy, nơi đây đã gửi hai hồ sơ của ông Đoàn Anh Dũng và N.V.H. ra Hà Nội cùng một thời điểm, không phải cái chuyển trước, cái chuyển sau. Chính vì thế, việc ông Dũng thắc mắc, dẫn đến khiếu nại là có cơ sở. Nguyện vọng của ông Dũng là vụ việc phải được làm sáng tỏ, minh bạch. Nếu hồ sơ tham gia của ông Dũng và hồ sơ của ông N.V.H. đến ban tổ chức cùng lúc thì phải cho đấu giá lại. Ông Dũng khẳng định, sẽ vẫn giữ mức giá mà ông đã đăng ký là 178 triệu đồng.
Khoản 2, điều 28, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4-3-2010 nêu rõ: Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản… Trong trường hợp giá cả cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá tài sản coi như không thành. Trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất, thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá. Nếu không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá (khoản 1, điều 34, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP) |
Kim Liễu