Sau hơn ba tháng có hiệu lực (tính từ ngày 15-4), Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg (QĐ 14)của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực thi trên địa bàn. Trong khi đó, những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ từ quyết định này đang mong mỏi từng giờ, từng ngày.
Sau hơn ba tháng có hiệu lực (tính từ ngày 15-4), Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg (QĐ 14)của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực thi trên địa bàn. Trong khi đó, những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ từ quyết định này đang mong mỏi từng giờ, từng ngày.
Nội dung của QĐ 14 là sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về "Khám, chữa bệnh cho người nghèo". QĐ 14, quy định thêm hai đối tượng sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ khám chữa bệnh (KCB) cho người nghèo, gồm: Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.
* Niềm vui của người nghèo…
Theo QĐ 14 thì ngoài việc hỗ trợ tiền điều trị, các bệnh nhân thuộc đối tượng quy định còn được hỗ trợ cả tiền ăn, tiền đi lại khám bệnh… Đây quả là một quyết định mang tính nhân văn sâu sắc, mang lại rất nhiều niềm vui, thêm hy vọng và cơ hội được KCB cho những người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Bệnh nhân đang lọc máu tại một bệnh viên trong tỉnh |
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Châu, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 1.574 ca bệnh nhân ung thư, để điều trị phải mất cả 100 triệu đồng/ca. Còn tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, hiện có 318 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Hầu hết những người mắc các căn bệnh hiểm nghèo trên đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Đối với nhiều người, khoản tiền KCB thực sự là một gánh nặng, nhất là trong tình hình viện phí và giá cả sinh hoạt ngày càng tăng.
Nhiều bệnh nhân đang ở trong tình cảnh kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Thiên Ân, cư ngụ tại KP4, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa đang điều trị tại khoa thận Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Hai vợ chồng ông sống bằng tiền trợ cấp của những người con vốn cũng chẳng khá giả gì. Hơn 4 năm nay, một tháng ông phải đến bệnh viện tới 12 lần để lọc máu với chi phí khoảng 5 triệu đồng, đó là chưa kể tiền đi lại, tiền viện phí khi phải cấp cứu đột xuất.
Nhiều người gia cảnh ban đầu khá giả nhưng sau một thời gian chạy chữa bệnh hiểm nghèo cũng trở thành nghèo khó. Do vậy, khi biết tin mình thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhiều người mừng đến rơi nước mắt. Bà Hoàng Thị Thinh, cư ngụ ở KP4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa kể: “Khi chưa bệnh, tôi đi bán ve chai, chồng chạy xe ôm chỉ đủ ăn. Để có tiền chạy chữa bệnh, tôi phải vay mượn nhiều nơi, chồng tôi thường nói đùa là đang nuôi một “con nghiện”. Bởi tài sản trong nhà cứ “không cánh mà bay” hết, giờ thì phải nhịn ăn để có tiền đi lọc máu. Nghe tin được hỗ trợ, hai vợ chồng mừng như bắt được vàng, chúng tôi mong từng giờ…”.
* Bao giờ mới triển khai?
Tâm trạng của bà Thinh cũng là tâm trạng chung của nhiều người bệnh, trong đó có cả ngàn bệnh nhân mắc bệnh ung thư, bởi thời gian của họ được tính từng giờ… khi nào quyết định trên được thực thi là câu hỏi mà nhiều người bệnh mong chờ. Thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Liên hệ với Sở Y tế về lý do tại sao chậm triển khai, chúng tôi được ông Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ y cho biết: Sở vừa mới tổ chức cuộc họp với Sở lao động - thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội và các ngành liên quan thống nhất về việc triển khai QĐ 14. Tuy nhiên, theo quy định thì chi phí cho việc hỗ trợ bệnh nhân sẽ được trích từ nguồn Quỹ KCB cho người nghèo. Tuy nhiên, sau khi có quy định người nghèo được hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) thì hoạt động của quỹ này ở địa phương không còn. Nay, để triển khai QĐ 14, Sở sẽ có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị tái thành lập quỹ để có nguồn kinh phí thực hiện các chế độ hỗ trợ theo QĐ mới này.
Ngày 13-3-2012, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện QĐ 14. Mười ngày sau đó, Sở Y tế có văn bản gửi các bệnh viện đang điều trị cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ yêu cầu tổ chức triển khai áp dụng. Thế nhưng mọi việc chỉ dừng ở văn bản, hiện chưa có bệnh viện nào triển khai vì không biết áp dụng thế nào, phải chờ hướng dẫn... |
Theo ý kiến của các sở, ngành thì nghị định quy định chưa cụ thể, tại mục 4, điều 2 của QĐ có đề cập đến đối tượng hỗ trợ là “Các bệnh khác do chi phí cao không có khả năng chi trả viện phí”, vậy bệnh khác là bệnh gì?, chi phí bao nhiêu thì xác định là chi phí cao. Phần này, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực thi. Theo khẳng định của lãnh đạo Sở Y tế thì ngay sau khi có nguồn quỹ, Sở sẽ triển khai phân bổ cho các đơn vị và thực hiện QĐ 14 ngay, chỉ những phần nào còn chưa rõ thì chờ hướng dẫn của Bộ.
Cũng trong tâm trạng mong chờ QĐ 14 được thực thi, bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất nói: “Nhiều bệnh nhân không có khả năng chi trả viện phí và đã làm đơn xin bệnh viện giảm viện phí. Tuy nhiên, việc miễn giảm chỉ có giới hạn. Bệnh viện đang chờ hướng dẫn để triển khai QĐ14, khi đó, bệnh nhân nghèo sẽ trút được gánh lo về viện phí. Đây không chỉ là tin vui cho các bệnh nhân mà cũng là tin vui cho các thầy thuốc điều trị”.
Kim Liễu