Theo quy định, từ ngày 1-7-2012, tất cả ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT - hộp đen) phù hợp với quy chuẩn Việt Nam.
Theo quy định, từ ngày 1-7-2012, tất cả ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT - hộp đen) phù hợp với quy chuẩn Việt Nam. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Vận tải - phương tiện Sở Giao thông - vận tải (GTVT) Đồng Nai Nguyễn Hữu Hoàng cho biết:
Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các phương tiện ô tô kinh doanh hành khách trên tuyến cố định; xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, xe khách du lịch, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đều phải gắn thiết bị GSHT. Việc lắp đặt hộp đen trên xe khách nhằm lưu giữ các thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đậu, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe... để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
* Thưa ông, tình hình cung cấp và lắp đặt hộp đen trên các phương tiện ở địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được thực hiện tới đâu?
- Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 2 ngàn xe ô tô đang hoạt động và có hơn 1,1 ngàn chiếc đã gắn hộp đen. Căn cứ vào số lượng xe đăng ký kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh thì đến nay lượng xe thuộc diện bắt buộc, đã lắp đặt gần hết. Số phương tiện còn lại, một số có gắn thiết bị; hoặc những trường hợp sang nhượng, chuyển đến các địa phương khác nhưng chưa báo với Sở GTVT. Tính đến thời điểm này, khoảng 15 đơn vị sản xuất và đăng ký cung cấp hộp đen cho thị trường nhưng mới chỉ có 2 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy.
* Những tiêu chuẩn cơ bản nào mà một sản phẩm hộp đen phải có, thưa ông?
- Một hộp đen đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo tối thiểu những yêu cầu về kết cấu, điều kiện làm việc, chức năng tự động, cổng kết nối và yếu tố không thể thiếu là phải có tính năng liên tục ghi, lưu trữ và truyền phát qua mạng internet về máy tính của doanh nghiệp để lưu trữ trong quá trình khai thác, vận hành của xe. Ví dụ, với hộp đen GPS đa năng (thiết bị định vị ô tô bằng GPS) và bộ phần mềm tích hợp bản đồ cài sẵn trên máy tính, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể theo dõi sát xe của mình, kể cả quá trình điều khiển phương tiện của tài xế một cách chi tiết và hiệu quả nhất. Cụ thể, hộp đen ghi nhớ thông tin về thời gian làm việc của lái xe; thông tin về thời gian, tốc độ, quãng đường chạy, tọa độ của xe từng phút một trong suốt cuộc hành trình. Hộp đen còn có thể cảnh báo lái xe khi xe chạy quá tốc độ, và ghi nhận số lần xe chạy quá giới hạn cho phép trong quá trình xe lưu hành. Hiện nay, những đơn vị sản xuất và cung cấp hộp đen chưa được cấp giấy chứng nhận vì không đảm bảo một trong 5 yếu tố sau: thông tin về xe và lái xe, hành trình của xe, tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian dừng, đậu xe, số lần và thời gian đóng, mở cửa xe…
* Gần đây, có thông tin về những trường hợp lắp đặt hộp đen kém chất lượng, ông có thể nói rõ điều này?
Thiết bị hộp đen trên xe khách. |
- Xin nói rõ là không phải thiết bị GSHT đã lắp đặt trên xe kém chất lượng, mà qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số hộp đen sản xuất chưa đúng với tiêu chí mà Bộ GTVT đưa ra. Trong đó có một số lỗi, như: không đúng kiểu loại, không có cổng 9 chân và thường gặp nhất là không có cảm biến đóng mở và lỗi phần mềm. Những xe đã gắn thiết bị GSHT chưa đạt chuẩn này, buộc phải thay cái khác. Mới đây, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các đơn vị sản xuất hộp đen phải bổ sung và hoàn thiện phần mềm đối với thiết bị GSHT, để đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với mã số QCVN 31:2011/BGTVT. Ở Đồng Nai, trong thời gian tới, ngoài 2 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy thì có nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hoàn tất quy trình sản xuất thiết bị GSHT đạt yêu cầu để tung ra thị trường. Đây cũng là xu thế chung, nếu doanh nghiệp muốn bán được hàng hóa thì phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.
* Với những trường hợp đã lắp hộp đen trước khi Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thì có tiếp tục được sử dụng?
- Trong thời gian qua, có không ít doanh nghiệp, tư nhân kinh doanh vận tải khách đã tự lắp đặt thiết bị GSHT cho các phương tiện. Việc tổ chức, cá nhân trang bị trước hộp đen cho xe khách là cần thiết, để đảm bảo an toàn cho hành khách và người đi đường. Nhưng sau khi Nghị định 91/2009/NĐ-CP ban hành thì chủ các phương tiện buộc phải đổi lại những hộp đen có giấy chứng nhận hợp quy. Để quản lý chặt việc chấp hành lắp đặt thiết bị GSHT, chúng tôi có quy định, khi xe đi đăng kiểm sẽ được kiểm tra hộp đen, xe nào chưa lắp thì buộc phải gắn thiết bị này, nếu không thực hiện sẽ không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Ngoài ra, các trường hợp đã có giấy phép kinh doanh vận tải mà chưa gắn hộp đen thì chúng tôi yêu cầu phải cam kết cụ thể lộ trình lắp đặt hộp đen. Nguyên tắc là không được chậm quá 6 tháng so với thời hạn quy định. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được một văn bản nào hướng dẫn cụ thể sẽ xử phạt hành vi không lắp hộp đen. Do đó, ngành chức năng phải đợi hướng dẫn từ Bộ GTVT thì mới có kế hoạch xử lý cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Đăng (thực hiện)