Nhiều năm nay, người dân ở các phường: Trảng Dài, Tân Phong, Tân Tiến, Thống Nhất, Tân Mai phải thường xuyên chống chọi với tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn...
Nhiều năm nay, người dân ở các phường: Trảng Dài, Tân Phong, Tân Tiến, Thống Nhất, Tân Mai phải thường xuyên chống chọi với tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Nguyên nhân là do lượng nước đầu nguồn chảy về, cùng các loại rác thải từ những hộ sống ven suối Săn Máu thải ra gây tắc nghẽn dòng chảy…
Ngày 20-12-2011, dự án nạo vét suối Săn Máu được khởi công gói thầu xây lắp số 1 (đoạn từ cầu Đúc, đường Nguyễn Văn Hoài, phường Tân Phong đến cầu Mương Sao, phường Thống Nhất) mang lại niềm vui và hy vọng cho người dân quanh khu vực, vì cơ bản sẽ thoát khỏi cảnh ngập úng mỗi khi mùa mưa đến. Thế nhưng, ngay từ đầu năm nay, cảnh ngập úng vẫn tái diễn và có phần nặng hơn trước.
* Vẫn mưa là ngập
Từ đầu mùa mưa đến nay, người dân ở KP7, phường Tân Phong đã ít nhất hai lần chống chọi với ngập lụt lớn; chưa kể những lần không có mưa, hoặc mưa nhỏ cũng bị ngập do nước từ đầu nguồn suối Săn Máu đổ về. Ông Mai Hữu Lộc, một hộ dân sống lâu năm ở đây cho biết, đoạn suối tại khu vực trên có địa hình thấp hơn phía thượng nguồn, lại rất quanh co nên khi có lượng nước lớn đổ về, sẽ không kịp lưu thông, tràn lên đường gây ngập úng nhà dân. Ông Lộc khẳng định: “Đến mùa mưa, nhà nào cũng chuẩn bị nhiều bao đựng cát để sẵn sàng làm bờ kè ngăn nước chảy vào nhà. Mỗi lần nước ngập phải mất 5-6 tiếng tát nước từ trong nhà ra ngoài, nếu mưa kéo dài thì thời gian tát nước sẽ lâu hơn. Đồ đạc trong nhà cứ trôi lềnh bềnh cùng rác từ bên ngoài tràn vào. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm nạo vét lòng suối, khơi thông dòng chảy để người dân yên tâm sinh sống”. Không chỉ những hộ dân sống ven suối mà hầu hết người dân sống trong khu dân cư cạnh Bệnh viện tâm thần trung ương 2 đều thấm thía cảnh lụt lội, rác thải trôi nổi trong nhà và nhiều đêm thức trắng để dọn dẹp nhà cửa.
Một đoạn suối Săn Máu ngang qua khu dân cư khá quanh co, gấp khúc. |
Nằm phía sau Nhà lao Tân Hiệp, những hộ dân thuộc KP5, phường Tân Tiến từ đầu năm đến nay cũng chịu cảnh ngập lụt do mưa xuống không có lối thoát nước. Theo một số người dân nơi đây, từ trước đến nay nước mưa trong khu dân cư đều có đường chảy ra suối, nhưng từ khi triển khai nạo vét đoạn suối gần cầu Tân Hiệp, bùn đất lấy từ lòng suối đổ cao lên hai bên bờ, đã chặn đường thoát nước nên mỗi khi có mưa thì toàn bộ khu vực lân cận suối đều bị ngập. Bà Phan Thanh Loan, đại diện người dân ở đây bức xúc: “Chúng tôi đã đề nghị ngành chức năng khơi thông lại lối thoát nước cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Vì thế, mỗi khi có mưa lớn là dân kêu trời vì đường ngập lụt, đi lại rất khó khăn”.
* Do đâu dự án kéo dài?
Phải mất 10 năm (2001-2011), dự án nạo vét suối Săn Máu mới được phê duyệt hoàn chỉnh với tổng chiều dài 6km, chia thành 3 đoạn. Đoạn từ cầu Đúc, đường Nguyễn Văn Hoài, phường Tân Phong đến cầu Mương Sao, phường Thống Nhất thuộc đoạn 2 (gói thầu xây lắp số 1), chiều dài 1.532m là khu vực địa hình suối quanh co, thường xuyên xảy ra ngập úng trong mùa mưa nên được Ban quản lý dự án khởi công ngày 20-12-2011. Dự kiến, gói thầu số 1 hoàn thành sau 18 tháng. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh lại thiết kế nên công trình tạm ngưng đến tháng 3-2012 mới thi công trở lại. Mặt khác, do mùa mưa năm nay đến sớm và lượng mưa lớn, không thể tiến hành nạo vét lòng suối nên công trình tạm ngưng từ tháng 5.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, UBND thành phố cam kết giao 100% mặt bằng thi công dự án nạo vét suối Săn Máu vào cuối năm 2012. Nếu nhận được mặt bằng đúng như cam kết và không có vướng mắc gì thì Ban quản lý sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2015. Riêng gói thầu xây lắp số 1 sẽ tiếp tục thi công vào tháng 10 năm nay. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Ban quản lý dự án (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - đơn vị chủ đầu tư, cho biết: “Tiến độ thực hiện dự án chậm là do quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc. Riêng gói thầu xây lắp số 1, chúng tôi mới nhận được 490m/1.532m thuộc đoạn từ đầu cầu Tân Hiệp đến cầu đường sắt. Phần từ cầu Đúc đến cầu Tân Hiệp, chúng tôi tạm thời cho dọn dẹp sạch sẽ hai bên suối, khơi thông dòng chảy. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kịp thời khắc phục hệ thống thoát nước quanh vùng, không để người dân phải chịu cảnh ngập úng do quá trình thực hiện dự án gây ra”.
Ngọc Liên