Báo Đồng Nai điện tử
En

20 năm chờ được tái định cư

10:07, 29/07/2012

Dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 triển khai và công bố quy hoạch từ năm 1992. Tuy nhiên đến nay, đã ngót nghét 20 năm, số hộ thuộc diện giải tỏa trắng vẫn chưa được cấp đất tái định cư (TĐC)…

Dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 triển khai và công bố quy hoạch từ năm 1992. Tuy nhiên đến nay, đã ngót nghét 20 năm, số hộ thuộc diện giải tỏa trắng vẫn chưa được cấp đất tái định cư (TĐC)…

12 năm sau - tính từ khi thông báo quy hoạch, cơ quan chức năng mới thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Song đến nay, hàng trăm hộ dân ở hai khu phố 6 và 7, phường An Bình (TP.Biên Hòa) vẫn phải sống trong cảnh chờ đợi để được giao đất TĐC. Thời gian qua, nhiều hộ mệt mỏi vì chẳng biết đến bao giờ mới được an cư lạc nghiệp.  Trong khi đó, môi trường, hạ tầng cơ sở nơi đây đã xuống cấp trầm trọng.

* Sống tạm trên đất… quy hoạch

Bà Lê Thị Màng, ngụ tổ 14, KP7 bộc bạch: “Tôi nhận thông báo giải tỏa từ lúc các con tôi mới vào tiểu học. Giờ chúng tới tuổi dựng vợ gả chồng rồi mà chưa được di dời. Tôi tính làm lễ cưới tại nhà cho con mà thấy xấu hổ,  vì nhà cửa thì nhếch nhác, còn môi trường xung quanh bị ô nhiễm, nên không có chỗ để tiếp đón họ hàng…”. Cùng giống hoàn cảnh như bà Màng, bà Nguyễn Thị Vân ở nhà số 4/33 khu cư xá Nhà máy giấy Đồng Nai than: “Hàng ngày sống trong căn nhà cũ, ai cũng nơm nớp lo sợ nó bị sập, hễ  trời mưa là dột tứ phía. Có nhiều hôm nằm ngủ, tôi nghe ngói trên mái bể rơi lộp độp, cũng may có nóc mùng đỡ cho chứ không thì nguy”.

Dãy nhà tại khu tập thể Nhà máy giấy Đồng Nai đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dãy nhà tại khu tập thể Nhà máy giấy Đồng Nai đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trên đây chỉ là hai trường hợp trong số nhiều hộ dân thuộc khu vực giải tỏa của dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Nói về đời sống của bà con tại khu quy hoạch, ông Hà Văn Gật, Trưởng KP7 cho biết: “Hầu hết nhà ở khu này được xây dựng từ trước năm 1975, đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Do chờ giải tỏa nên người dân không thể xây dựng lại, chỉ sửa chữa, chắp vá tạm thời nên nơi ở của các gia đình trông rất tồi tàn và có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Vì hoàn cảnh khó khăn, không thể tự di dời, buộc người dân bất chấp nguy hiểm mà sinh sống. Nhiều người cũng dự tính đầu tư xây dựng cho có nơi ở đàng hoàng nhưng lại sợ mai này mất trắng vì không được đền bù”.

* Bao giờ người dân được tái định cư?

Để vào được khu cư xá Nhà máy giấy Đồng Nai - phần diện tích thuộc dự án quy hoạch, nơi người dân có cuộc sống khó khăn nhất, chúng tôi phải đi trên con đường đất đỏ gồ ghề sỏi đá. Dọc đường đi là những mương xả nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất bốc mùi hôi nồng nặc. Khu vực này có khá nhiều nhà cấp 4 ẩm thấp và đã xuống cấp với mái tôn gỉ sét hoặc mái ngói xộc xệch. “Có nhà cột bị xiêu vẹo, mục nát; có nhà tường bị nứt toạc nhưng vẫn gia cố lại để ở. Sợ ngói trên mái rớt xuống gây thương tích, nhiều hộ cho giăng thêm ny-lông ngay ở phía dưới đòn kèo nên trông rất thảm hại. Thời gian qua, rất nhiều lần người dân đến hỏi lãnh đạo phường thì được trả lời sắp có đất TĐC nên ai cũng… ráng chờ. Thế nhưng, khoảng thời gian chờ đợi kéo dài đã 20 năm mà vẫn chưa được giải quyết, khiến hộ nào cũng bức xúc, họ chỉ mong sớm được bố trí TĐC để ổn định cuộc sống”- ông Gật tâm sự.

Tường nhà bị nứt, người dân gia cố lại để ở tạm.
Tường nhà bị nứt, người dân gia cố lại để ở tạm.

Theo thống kê của TP.Biên Hòa, tại hai KP6 và 7 của phường An Bình có 574 hộ cần được bố trí TĐC, con số không nhỏ đối với công tác bố trí TĐC trên địa bàn thành phố hiện đang rất hạn hẹp về quỹ đất. Trả lời về thời gian TĐC cho hộ dân nằm trong dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, năm 2004, cơ quan chức năng đã đền bù cho những trường hợp bị thu hồi đất. Lúc đó, ngoài việc bồi thường, thành phố còn hỗ trợ tiền di dời, và một số hộ dân được giải quyết vào khu dân cư An Bình do Công ty phát triển khu công nghiệp đầu tư. Song, do nhu cầu TĐC trên địa bàn lớn, nên TP.Biên Hòa đang có kế hoạch tiếp tục bố trí số gia đình thuộc diện giải tỏa này vào khu TĐC 14,2 hécta tại phường Long Bình và khu TĐC tại phường Long Bình Tân. Hiện hai khu TĐC đang tiến hành thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến, đến quý IV-2012 khởi công xây dựng hạ tầng và tới quý III-2013 bàn giao mặt bằng TĐC cho dân.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Bí thư chi bộ hai KP 6-7 cho biết: Ngoài nhà cửa, kết cấu hạ tầng ở khu phố xuống cấp thì các nhu cầu thiết yếu, như: điện, nước, truyền hình cáp… của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nằm trong khu vực thuộc diện giải tỏa nên không được xét cho đăng ký sử dụng. Hiện tại nơi đây có từ 6 -10 hộ dân sử dụng chung 1 đồng hồ điện chính, nên giá điện luôn ở mức cao. Riêng nước sinh hoạt, dân  phải nhờ nhà máy giấy cung cấp với giá tính theo mức sản xuất là 7.475đồng/m3. Vì thế, các gia đình chỉ dùng nước máy cho ăn uống, còn nước sinh hoạt phải mua thêm nước kỹ nghệ (do nhà máy giấy xử lý lọc lại từ nước sông Đồng Nai) với giá 2.100 đồng/m3.

 

 

 

 

 

 

 

Kim Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích