Khi phát sinh tranh chấp, trước tiên người dân chỉ biết “gõ cửa” UBND xã, vì vậy nếu nơi đây thực thi chưa hết chức năng, quyền hạn của mình thì vụ việc sẽ rơi vào tình trạng đơn khiếu nại bị “dưới chuyển lên, trên chuyển xuống”…
Khi phát sinh tranh chấp, trước tiên người dân chỉ biết “gõ cửa” UBND xã, vì vậy nếu nơi đây thực thi chưa hết chức năng, quyền hạn của mình thì vụ việc sẽ rơi vào tình trạng đơn khiếu nại bị “dưới chuyển lên, trên chuyển xuống”…
Trường hợp tranh chấp ranh đất giữa hai ông Nguyễn Tấn Việt và Đỗ Thắng ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) là điển hình của việc cơ quan chức năng “đẩy qua, đẩy lại”.
* 15 năm khiếu kiện…
Năm 1996, để nắn lại một đoạn đường công cộng cho thẳng để dễ đi, ông Việt đồng ý hoán đổi đất với Nhà nước để làm đường. Theo đó, một phần đường mới sẽ nằm trên thửa đất của gia đình ông Việt, đổi lại ông được cấp phần đất vốn là đường cũ có diện tích 252m2, thuộc thửa đất số 1384, tờ bản đồ địa chính số 2, xã Hưng Thịnh.
Ông Nguyễn Tấn Việt tại phần đất đã được tòa án xử thắng kiện. |
Nhận đất được khoảng 1 năm, ông Việt phát hiện ông Đỗ Thắng, chủ thửa đất kế cận đã chiếm dụng, trồng hoa màu trên đất của mình nên làm đơn khiếu nại. Vụ việc được UBND huyện thụ lý giải quyết, buộc ông Thắng trả đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với thửa đất trên cho ông Việt. Tuy nhiên sau đó, hai bên lại phát sinh tranh chấp, ông Việt khởi kiện ra tòa. Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trảng Bom ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung: buộc ông Thắng tháo dỡ toàn bộ tài sản, hoa màu trên đất và trả lại đất cho ông Việt. Do ông Thắng không tự nguyện thi hành án nên cơ quan Thi hành án huyện đã tiến hành cưỡng chế, trên cơ sở thực hiện bản án đã có hiệu lực.
Sau khi nhận lại đất, ông Việt tiến hành làm hàng rào, nhưng liên tục bị người khác phá bỏ. Ông Việt cho biết: “Khi tôi làm hàng rào thì gia đình ông Thắng ra ngăn cản; những lúc trồng tỉa cũng bị gia đình ông Thắng dọa nạt. Ngay cả cột mốc do cơ quan chức năng cắm cũng bị nhổ bỏ. Tôi khiếu nại lên xã, thì được mời lên hòa giải nhưng không thành nên đến thời điểm này vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, xã thông báo đổi giấy đỏ, tôi đến đăng ký thì không được chấp nhận với lý do đất đang tranh chấp”.
* Xã đã làm hết chức năng?
Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 5-4-2011 UBND xã Hưng Thịnh đã chuyển đơn của ông Việt lên TAND huyện, song tòa án trả hồ sơ vì ý do đã giải quyết trước đây nên không thể xử lại. Về hỏi lãnh đạo địa phương, ông Việt được báo là… chờ tòa. Kể cả khi ông Việt đề nghị xã xác định lại ranh đất thì bị từ chối.
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Xuân Mai, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh nói: “Hồ sơ khiếu kiện của ông Việt, chúng tôi chuyển lên tòa là theo yêu cầu của đương sự. Riêng việc muốn cắm mốc thửa đất thì phải liên hệ với đội đo đạc thuộc Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, không thuộc thẩm quyền của địa phương. Còn phát sinh tranh chấp kéo dài, một phần là do ông Việt lơ là, không canh giữ cột mốc”(?!).
Tháng 11-2007, TAND huyện Trảng Bom ra quyết định phân xử vụ tranh chấp đất giữa ông Việt và ông Thắng. Ông Việt được xử thắng kiện. Năm 2008, cơ quan THA tiến hành cưỡng chế, phân định ranh mốc đất rõ ràng. Thế nhưng, khi tái diễn tranh chấp, chính quyền địa phương lại cho rằng xã đã làm hết chức năng nên chuyển vụ việc lên tòa án, tòa lại trả hồ sơ vì “mọi tranh chấp chỉ giải quyết một lần”. Đến nước này thì ông Việt đành “bó tay” bởi chẳng biết “kêu” ở đâu để được giải quyết… |
Ở đây có thể thấy, hành vi cố tình phá hoại hàng rào và cản trở quyền sử dụng đất hợp pháp là việc làm trái pháp luật. Vì vậy, việc làm rõ và xử lý hành vi trên thuộc trách nhiệm của chính quyền điạ phương. Mặt khác, thửa đất của ông Việt đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong biên bản cưỡng chế buộc gia đình ông Thắng giao QSDĐ cho ông Việt, cơ quan chức năng cũng đã xác định rõ tứ cận của thửa đất trên. Vì vậy, lẽ nào bộ phận địa chính xã lại không thể căn cứ trên bản đồ để xác định cụ thể ranh đất của ông Việt và ông Thắng? Thiết nghĩ, đây là điều mà chính quyền địa phương nên xem xét để có hướng giải quyết dứt điểm vụ việc theo thẩm quyền, tránh khiếu kiện kéo dài.
Kim Liễu