Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ cưỡng chế nhà tạm ở phường Long Bình: Chính quyền địa phương có mạnh tay?

10:06, 11/06/2012

Bị thu hồi đất từ dự án xây dựng hệ thống cấp nước Nhơn Trạch, dù đã được cấp đất tái định cư (TĐC), nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình ông Lê Phú Ênh, ở tổ 14, KP4, phường Long Bình (TP. Biên Hòa) không đủ 110 triệu đồng để nộp phí hạ tầng nên vẫn chưa có nhà để ở…

 

Bị thu hồi đất từ dự án xây dựng hệ thống cấp nước Nhơn Trạch, dù đã được cấp đất tái định cư (TĐC), nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình ông Lê Phú Ênh, ở tổ 14, KP4, phường Long Bình (TP. Biên Hòa) không đủ 110 triệu đồng để nộp phí hạ tầng nên vẫn chưa có nhà để ở…

Ông Lê Phú Ênh bên căn nhà tạm bị cưỡng chế.
Ông Lê Phú Ênh bên căn nhà tạm bị cưỡng chế.

Năm 2007, Nhà nước tiến hành đền bù, giải tỏa căn nhà gia đình ông Ênh đang ở. Tháng 10-2011, gia đình ông Ênh được UBND thành phố giao đất TĐC, tuy nhiên do không có tiền đóng phí hạ tầng nên phần đất ấy đến nay vẫn để trống. Gia cảnh khó khăn, gia đình ông phải ly tán mỗi người một nơi. Cụ thể, vợ và con gái phải lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê, bản thân ông Ênh ở nhờ nhà người con trai, hàng ngày sống bằng nghề sửa xe.

Căn lều tạm đủ để chứa một số đồ nghề sửa xe được ông Ênh dựng trên diện tích 1,2mx4m, là phần đất còn lại của gia đình, sau khi căn nhà cũ bị giải tỏa. Tuy nhiên, theo quy định thì ông Ênh không được phép dựng nhà tạm, vì diện tích đất quá nhỏ, ít hơn nhiều so với diện tích tối thiểu là 45m2. Trước vi phạm này, ngày 21-5-2012, trong lúc gia đình ông Ênh đi vắng, lực lượng chức năng của phường Long Bình đã xuống tháo dỡ căn lều tạm. Điều đáng nói ở đây là khi thực thi nhiệm vụ, chính quyền địa phương không ban hành quyết định cưỡng chế hoặc thông báo trước với gia đình người vi phạm. Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được một số người dân cho biết, hoàn cảnh của gia đình ông Ênh rất đáng thương, nên khi bị cưỡng chế nơi ở tạm, không ít người đã phản ứng vì cho rằng địa phương làm hơi “mạnh tay”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tống Thanh Đa khẳng định, việc tổ chức tháo dỡ căn lều tạm của ông Ênh mà không có quyết định cưỡng chế hay thông báo trước cho gia đình người vi phạm là hoàn toàn đúng luật.

Song, căn cứ Nghị định 180/2007/NĐ-CP, ngày 7-12- 2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, tại điều 10, khoản 1a quy định rõ: “Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền”. Như vậy, việc cưỡng chế nhà xây dựng trái phép chỉ được thực hiện sau khi đã ban hành các quyết định liên quan.

 Vy Vy

 

 

 

Tin xem nhiều