Vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ, thế nhưng lâu nay nó bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. Điều này diễn ra rất phổ biến tại các đô thị trên toàn tỉnh. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào khả thi để xử lý hiệu quả…
Vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ, thế nhưng lâu nay nó bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. Điều này diễn ra rất phổ biến tại các đô thị trên toàn tỉnh. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào khả thi để xử lý hiệu quả…
Một thực trạng khó coi nhưng được lặp đi lặp lại trên nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa, đó là hình ảnh người buôn bán lấn chiếm vỉa hè thỉnh thoảng phải bưng hàng hóa chạy bát nháo, còn lực lượng chức năng thu phương tiện vi phạm chất đống trên xe. Tuy nhiên, sau khi lực lượng này đi khỏi thì mọi việc đều trở lại như cũ.
* Bắt cóc bỏ dĩa
Ở Biên Hòa, tình trạng chiếm dụng vỉa hè được xem là phổ biến nhất, phải nói đến đường Hồ Văn Đại. Hàng ngày vào buổi sáng, một đoạn đường này bị biến thành nơi họp chợ. Tại đây, người bán “vô tư” bày hàng hóa, che dù, đặt bàn ghế la liệt, còn người mua thì không ngần ngại ngồi xuống lòng đường để lựa hàng; không ít người còn dựng xe giữa đường để… đi chợ, làm cho đường trở nên chật trội, gây cản trở giao thông.
Vỉa hè đường Hồ Văn Đại bị được tận dụng làm nơi họp chợ. |
Tương tự là những đường: Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng), Phan Đình Phùng (gần nhà thuốc Sơn Minh)... đều là những tuyến không còn vỉa hè cho người đi bộ. Hay một số đường lớn khác, như: Phạm Văn Thuận, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Ái Quốc, Cách Mạng Tháng Tám, Đồng Khởi... ban ngày đều được tận dụng để kinh doanh cà phê, nước giải khát, ăn sáng, bán thực phẩm tươi sống, hải sản; ban đêm thì trở thành quán nhậu bình dân với ốc hút, trứng vịt lộn...
Trong đó, “nổi bật” nhất phải kể đến khu vực đường 30-4, đoạn từ công viên Biên Hùng đến Trường THPT Ngô Quyền, vào 19 giờ trở đi là vỉa hè tại đây thành nơi trưng bày quần áo thời trang, giấy dép, giỏ xách...
* Đâu là giải pháp khả thi?
Lý giải về việc chiếm dụng vỉa hè - nơi không được phép đậu xe, chủ một cửa hàng kinh doanh trên đường Phạm Văn Thuận, đoạn thuộc KP1, phường Trung Dũng nói: “Không cho khách để xe dưới vỉa hè thì có nước dẹp tiệm. Bởi phần lớn người mua hàng đều có phương tiện đi lại, trong khi đó tìm một chỗ đậu xe, gửi xe không phải dễ”.
Do vỉa hè bị lấn chiếm nên người đi bộ phải đi xuống dưới lòng đường (ảnh chụp trên đường Phạm Văn Thuận). |
Lâu nay, một số đoạn đường mà vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ không còn cách nào khác buộc phải đi dưới lòng đường. Điều này gây nguy hiểm cho người dân, dẫn đến giao thông lộn xộn, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo quy định của TP.Biên Hòa thì vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ trong đô thị và là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trên vỉa hè, cơ quan chức năng có kẻ vạch sơn để phân định vị trí sử dụng. Từ vạch sơn trở vào phía trước nhà dân, người dân có thể sử dụng đậu xe tạm. Tuyệt đối không được sử dụng làm nơi buôn bán, trưng bày hàng hóa. Khi sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích khác phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị... |
Nói về tình trạng xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh buôn bán như “bắt cóc bỏ dĩa”, Đội trưởng trật tự đô thị TP.Biên Hòa Lê Văn Kỷ cho rằng, cơ bản là do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền các địa phương. Nếu như UBND các phường, xã mạnh tay và liên tục hơn thì khả năng lập lại trật tự trong việc “biến vỉa hè thành của riêng” chắc chắn sẽ chấn chỉnh được.
Theo ông Kỷ, một số địa phương có tổ chức lực lượng thay phiên nhau dẹp hàng rong, chợ cóc, nhưng kết quả không như mong đợi. Những tồn tại này nhất thiết phải có giải pháp hữu hiệu, phù hợp thì mới mong tháo gỡ được.
Kim Liễu