Thời gian gần đây, một số thợ xây hoặc thầu xây dựng có thâm niên trong nghề, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng thì mua được ngay chứng chỉ hành nghề mang tên mình. Đương nhiên, khi có “bằng cấp” ấy, số thợ này nghiễm nhiên trở thành “kỹ sư" xây dựng hoặc “giám sát thi công”…
Căn nhà hai tầng được thực hiện bởi một “kỹ sư” tay ngang. Ảnh: M. Đăng |
Thời gian gần đây, một số thợ xây hoặc thầu xây dựng có thâm niên trong nghề, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng thì mua được ngay chứng chỉ hành nghề mang tên mình. Đương nhiên, khi có “bằng cấp” ấy, số thợ này nghiễm nhiên trở thành “kỹ sư" xây dựng hoặc “giám sát thi công”…
Đã có nhiều trường hợp tai nạn lao động xảy ra khi chất lượng các công trình chưa được thẩm định kỹ trước khi đưa vào sử dụng. Như trường hợp vào lúc 9 giờ 30 ngày 10-4, tại Khu du lịch Lan Phương, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú đã xảy ra vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng núi nhân tạo, làm 2 người chết, 2 người bị thương.
* Từ thợ tay ngang…
Điều đáng nói trong vụ tai nạn thương tâm này là công trình được xây dựng bởi những người thợ tại địa phương. Đây là những người thợ tay ngang, chỉ quen làm công trình dân dụng đơn giản, như: chuồng heo, nhà bếp, bờ rào... Chủ thầu công trình này cũng thuộc lớp thợ “sống lâu lên lão làng” nên khi nhận thầu, đã thuê nhân công ở đây với giá rẻ, và đương nhiên, yếu tố về kỹ thuật buộc phải đặt lên hàng đầu thì ai cũng… mù tịt.
Mới đây nhất, ngày 6-6 tại một công trình dân dụng thuộc KP2, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, hàng chục nhân công đang tấp nập làm việc. Ông Hùng, chủ quản lý công trình xây dựng nhà trọ hai tầng này không ai khác là chính chủ nhà. Suốt buổi sáng, vị “kỹ sư” này luôn miệng la hét, hối thúc nhân công làm việc. Dưới đây là cuộc đối thoại của ông với những thợ xây mà chúng tôi ghi nhận được:
“Hôm nay bê tông khô rồi, mấy anh lát nữa gỡ hết các tấm cốt (cốt pha) ra để có cái dựng trụ.
- Mới đổ được có 7 ngày mà anh, bê tông còn non lắm?
- Có R7 rồi. Cứ gỡ để làm cái khác, chứ đợi đúng ngày thì bao giờ mới làm xong.
- Anh Tư trộn thêm ít xi măng nữa đi, nhìn sao thấy trắng quá.
Liên tục những “chỉ thị” được ông chủ đưa ra, khiến người xung quanh tưởng ông là một kỹ sư hay quản đốc công trình thực thụ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì ai cũng bất ngờ vì ông chưa một ngày được đào tạo bài bản, mà chỉ “lên lớp” bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình xây một số công trình phụ trong gia đình. Đáng kể là công trình mà ông Hùng tự biên tự diễn, sử dụng loại thép đường kính 10mm (Ø 10), trong khi yêu cầu tối thiểu phải từ Ø12 – Ø14. Mặc khác, trong kỹ thuật xây dựng, rất kỵ việc tháo hết cốt pha xuống cùng một lúc mà phải tháo so le, lẻ tẻ, từ ngoài vào trong... Đối với R7 như ông Hùng đã đề cập ở phần đối thoại trên, dù là chất phụ gia tăng kết dính, nhưng nhanh nhất cũng phải 12 ngày mới đảm bảo bê tông đủ chắc!
* ... Đến chứng chỉ... chui
Thông thường, để có được những chứng chỉ giám sát hay chứng chỉ an toàn lao động, thì mọi người tham gia hành nghề xây dựng phải đi học các khóa đào tạo trong vòng từ 2 - 4 tháng. Lệ phí phải đóng từ 1 - 3 triệu đồng, tùy thuộc vào nơi đào tạo. Tuy nhiên hiện nay, chỉ cần bỏ ra 500 ngàn đồng là một người tay ngang cầm bay có thể nắm trong tay chứng chỉ để hoạt động.
Một kỹ sư trong ngành xây dựng khẳng định: “Rất dễ mua được chứng chỉ loại này. Có khi chỉ trong vòng 1 tuần là có ngay, nếu tìm đúng người”. Người này cũng tiết lộ thêm, phần lớn những người đi mua chứng chỉ thường hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng lười học và sợ mất thời gian. Cũng có trường hợp vì sợ “không qua” được các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng về xây dựng nên phải “thủ trước” tờ “giấy lận lưng” cho yên tâm.
Theo khoản 2, điều 14 của Luật Xây dựng quy định: cá nhân hành nghề độc lập khi thiết kế quy hoạch xây dựng, phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Có năng lực hành nghề, có chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng; b) Có đăng ký hoạt động thiết kế quy hoạch xây dựng. |
Mánh lới rất phổ biến mà nhiều nhà thầu hoặc chỉ huy các công trình xây dựng áp dụng, đó là người đứng tên trên giấy tờ của dự án là kỹ sư thật, trong khi người trực tiếp chỉ huy thì... chỉ chỉ đạo bằng những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình làm thợ. Có nghĩa là người có bằng cấp xây dựng được thuê ký tên mà không cần xuất hiện. Đây là cách qua mặt cơ quan chức năng, hòng hợp thức hóa vai trò của người chỉ đạo, thực hiện công trình. Thời gian qua, những “kỹ sư” này “phát triển” khá phổ biến, có thể bắt gặp tại khá nhiều công trình xây dựng, kể cả nhà cấp 4 hay những dự án quan trọng và phức tạp.
Ông Nguyễn Lộc Kha, Phó giám đốc ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa cho biết, chứng chỉ an toàn lao động hay chứng chỉ giám sát thật hay giả thì chỉ có cơ quan chuyên trách mới phát hiện được. Thông thường khi nhận hồ sơ ứng cử các công trình, Ban Quản lý dự án yêu cầu cá nhân phải nộp đủ có những giấy tờ liên quan đã công chứng là được. Theo ông Kha, việc đứng tên hồ sơ xin phép xây dựng một người và trực tiếp chỉ đạo công trình là một người khác, lâu nay diễn ra khá phổ biến. Người nhận công trình sẽ giao việc cho một “đệ tử ruột” để thay mình quán xuyến mọi việc, là những tồn tại cần phải được chấn chỉnh trong thời gian tới.
Minh Đăng