Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì rác

09:06, 03/06/2012

Trên trang 12 Báo Đồng Nai các số ra ngày 8-5 và 28-5-2012, phản ảnh tình trạng chuyển rác trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần cầu Đồng Tràm, thuộc phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Sau khi báo đăng, Báo vẫn chưa nhận được phản hồi của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường (DVMT) Đồng Nai...

Trên trang 12 Báo Đồng Nai các số ra ngày 8-5 và 28-5-2012, phản ảnh tình trạng chuyển rác trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần cầu Đồng Tràm, thuộc phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Sau khi báo đăng, Báo vẫn chưa nhận được phản hồi của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường (DVMT) Đồng Nai...

Đề cập về việc chậm phản hồi cho Báo Đồng Nai, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên DVMT Đồng Nai Võ Thành Tín cho biết, do lãnh đạo công ty và lãnh đạo Xí nghiệp môi trường Biên Hòa - đơn vị trực tiếp thực hiện chuyên chở rác, đều đi công tác ở nước ngoài nên chưa thể phản hồi sớm cho Báo được.

* Không còn cách nào khác!

Theo ông Tín, mỗi ngày TP.Biên Hòa thải ra khoảng 500 tấn rác sinh hoạt. Đây là con số rất lớn. Trong khi đó, toàn thành phố có nhiều hẻm nhỏ, xe lấy rác chuyên dùng không vào được nên phải sử dụng xe nhỏ hoặc xe ba gác để thu gom từ các nơi về một số điểm trung chuyển, trong đó có trạm gần cầu Đồng Tràm như Báo Đồng Nai đã phản ảnh.

Điểm trung chuyển rác trên đường Võ Thị Sáu đến naychưa được khắc phục.                                                              Ảnh: T. Nguyên
Điểm trung chuyển rác trên đường Võ Thị Sáu đến naychưa được khắc phục. Ảnh: T. Nguyên

Theo ông Tín, quy định của ngành chức năng là phải khử mùi cho xe vận chuyển rác bằng chế phẩm sinh học như bio-systems để phun. Ngoài ra, sau mỗi lần sang rác giữa những xe chuyên chở xong, nhân viên vệ sinh phải quét dọn, rửa sạch sẽ. Nhưng đúng là khi chuyển rác từ xe nhỏ sang xe lớn tại một số điểm chuyển tiếp, không thể nào xử lý triệt để mùi hôi khiến người đi đường bị ảnh hưởng, là điều khó tránh khỏi.

Để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng liên quan đến môi trường khi chuyển tiếp rác, công ty thành lập đội kiểm tra, thường xuyên đi nhắc nhở việc thực hiện thu gom, lấy rác đúng quy trình. Tuy nhiên hiện nay, do chưa có phương án tối ưu nào khác nên Công ty DVMT vẫn phải thực hiện việc chuyển rác giữa đường. Đây là chuyện đau đầu của doanh nghiệp, chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được. Riêng điểm trung chuyển rác gần cầu Đồng Tràm mà Báo Đồng Nai đã nhiều lần lên tiếng, công ty đang liên hệ với Hợp tác dịch vụ sản xuất nông nghiệp Gò Me để thuê lại một phần đất trống cách xa đường, nhằm hạn chế ảnh hưởng cho môi trường chung quanh.

* Kiến nghị xây dựng 21 điểm trung chuyển rác 

Trước đây, trên các tuyến đường ở TP. Biên Hòa có một số điểm đổ rác hoặc những thùng rác công cộng để dân cư đem bỏ rác vào. Thế nhưng, vì ý thức chưa cao nên rác bị người dân vứt tung tóe nên hình thức này lâu nay bị loại bỏ, thay vào đó là xe đến tận các ngõ, hẻm thu gom. Hiện tại, Xí nghiệp môi trường Biên Hòa là đơn vị trực tiếp xử lý thu gom rác từ địa bàn dân cư đến khu xử lý chôn lấp rác ở Trảng Dài. Xí nghiệp có 380 công nhân viên chia thành 3 bộ phận: quét đường, thu gom rác phố và đội xe, hàng ngày có mặt ở mọi chỗ để tiếp nhận rác. Song, không ít thời điểm trong ngày, trên một số tuyến đường, rác vẫn thường xuyên xuất hiện, kể cả những nơi dễ thấy nhất. Nguyên nhân là thói quen của người dân bạ đâu vứt đó, nhưng chưa trường hợp nào bị xử phạt, khiến cho đường phố trở nên mất vệ sinh.

Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư ở TP.Biên Hòa được hình thành từ rất lâu nên lối vào chật hẹp, xe chuyên dùng không đi lọt, buộc phải sử dụng xe ba gác - phương tiện bị cấm lưu hành theo Nghị quyết 32 của Chính phủ. Đây là những tồn tại chưa có cách tháo gỡ. “Những vi phạm này lâu nay “được” châm chước, bởi không còn cách nào khác. Song về lâu dài, chúng tôi phải tính đến việc tìm cách thay thế xe ba gác trong việc thu gom, vận chuyển rác. Trong thời gian tới, để đảm bảo môi trường đô thị trong sạch, chúng tôi rất cần các ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ mọi mặt thì mới có thể xử lý hiệu quả những vấn đề liên quan đến rác”- ông Tính nói.

Từ năm 2009, Công ty DVMT Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị UBND TP.Biên Hòa xem xét, đồng ý cho xây dựng 21 điểm chuyển tiếp rác trên toàn thành phố. Theo đó, nếu được chấp thuận thì sẽ có nơi chuyển rác đúng tiêu chuẩn với nhà có mái che, tường bao và nước rác thu gom sau khi xử lý; để đến năm 2015, khi bãi rác tại phường Trảng Dài đóng cửa, việc vận chuyển rác từ TP. Biên Hòa đến bãi rác mới ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) sẽ thuận lợi hơn.

                T. Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích