Báo Đồng Nai điện tử
En

Hết hợp đồng giao khoán rừng ngập mặn: Người nuôi trồng thủy sản làm gì?

10:06, 13/06/2012

Nhiều hộ dân nhận khoán mặt nước để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ rừng phòng hộ tại hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, không biết phải xoay xở thế nào khi kỳ hạn chấm dứt hợp đồng sắp đến gần…

Nhiều hộ dân nhận khoán mặt nước để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ rừng phòng hộ tại hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, không biết phải xoay xở thế nào khi kỳ hạn chấm dứt hợp đồng sắp đến gần…

Theo ký kết, khi hết hạn hợp đồng, trong vòng 30 ngày, toàn bộ diện tích đất rừng ngập mặn người nuôi trồng thủy sản canh tác bấy lâu phải trả lại cho đơn vị chức năng. Thực tế thời gian qua, mô hình giao đất rừng cho dân canh tác và quản lý, thật sự đem lại hiệu quả cho Nhà nước lẫn người dân. Quá trình này, rừng phòng hộ được bảo vệ tốt và tài nguyên được khai thác hợp lý.

* Lợi ích cao

Tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch có 92 hộ ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, gọi chung là làm đùng. Tổng diện tích các hộ đầu tư làm đùng lên đến gần 900 hécta, bao gồm cả phần có rừng, không rừng và diện tích mặt nước. Trung bình mỗi đùng cá, tôm tại khu rừng ngập mặn thuộc 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch rộng từ 10 - 30 hécta, trong đó phần lớn là phần mặt nước, chiếm gần 50% tổng diện tích. Mỗi hộ dân khi nhận khoán đất, mặt nước đều phải cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng phòng hộ,  nhờ đó hiện tượng chặt phá rừng trong khu vực này lâu nay không xảy ra. Bên cạnh đó, việc nuôi thủy sản bằng phương pháp sinh thái khiến môi trường trong và ngoài đùng cá được đảm bảo sạch sẽ; các loại thủy sản tự nhiên cũng phát triển phong phú. Việc của người làm đùng là đắp bờ, tháo nước, chặn nước hàng ngày theo thủy triều lên xuống và thả tôm giống. Riêng cá thì tận dụng từ thiên nhiên nên giảm được tiền con giống.

Đùng cá của ông Trần Xuân Đà trong thời gian qua đạt hiệu quả.
Đùng cá của ông Trần Xuân Đà trong thời gian qua đạt hiệu quả.

Anh Trần Xuân Đà, chủ đùng thuộc khu Cắm Sào, nơi được coi là lõi của khu rừng Sác, thổ lộ: “Đùng của tôi rộng 12 hécta, trong đó diện tích mặt nước khoảng 11 hécta. Mỗi lần đắp cống, tôi phải đầu tư tốn 150 triệu đồng, hàng tháng thả 3 đợt tôm giống, mỗi đợt 10 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn phải trả tiền thuê máy đắp bờ, nhân công túc trực liên tục cũng không hề rẻ chút nào”. Mỗi tháng anh Đà thu về khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng; những lúc trúng mùa thì lợi nhuận còn cao hơn.

Tương tự là trường hợp anh Trần Văn Toản, nhận khoán 30 hécta, trong đó diện tích mặt nước hơn 25 hécta. Nói về quá trình tăng gia sản xuất, anh Toản cho biết, nhờ hệ sinh thái ở đây chưa bị con người tác động nhiều nên tôm, cá tự nhiên của đùng anh rất dồi dào, có tháng anh thu được hàng trăm triệu đồng. “Người dân làm đùng chịu cực khổ, chấp nhận bỏ vốn lớn vì biết chắc công sức bỏ ra sẽ được bù đắp. Song, điều mà chúng tôi lo nhất bây giờ là không biết có được ký lại hợp đồng giao khoán mới hay không. Nếu phải trả lại đất rừng thì bà con làm đùng không biết phải làm gì để sống” - anh Toản tâm sự.

* Đứng trước “ngã ba đường”

Trong số hơn 90 hộ nhận hợp đồng giao khoán, có 2 hộ hết hạn hợp đồng vào năm 2013 và lâu nhất là năm 2019 với 11 hộ. Toàn bộ số hộ nhận khoán đều nhận được những bản phụ lục hợp đồng với điều khoản phải trả lại đất rừng, mặt nước trong khu vực rừng ngập mặn, sau khi chấm dứt hợp đồng.

Lo lắng trước cơ ngơi đã đầu tư hàng tỷ đồng bao năm nay sẽ không còn tác dụng gì trong thời gian tới, nên gần đây nhiều chủ đùng đã bán các hợp đồng cho người khác với giá rẻ. Một số hộ khác muốn đầu tư thêm cống xả nước, sửa nhà cửa thì lại lấn cấn không biết có nên hay không, trong khi giá cả vật liệu một khi chở đến đùng đều cao gấp 3 lần so với ở đất liền. Anh Hà Duy Thanh, người vừa mua lại đùng từ chủ cũ cách đây 5 tháng với giá gần 500 triệu đồng và phải bỏ thêm từng ấy số tiền đầu tư máy móc, cống, bờ bao đang khóc dở mếu dở với nội dung của bản hợp đồng này. Anh Thanh bức xúc: “Chỉ bỏ một con nước, không lo coi sóc bờ kè thì coi như tiêu hết tôm, cá, bờ bao. Đùng thì mới mua nên tôi chưa thu hồi được vốn, còn muốn sản xuất hiệu quả phải đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng. Nhưng chỉ còn 2 năm nữa là hợp đồng chấm dứt, tôi đang đứng trước "ngã ba đường", không biết phải xoay xở thế nào nữa”.

Tại điều IV, bản phụ lục hợp đồng ký ngày 28-12-2007, giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành với ông Trần Xuân Đà có ghi nội dung: “Thời hạn hợp đồng đến ngày 1-10-2014 là chấm dứt. Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành sẽ thanh lý hợp đồng, thu hồi lại diện tích nhận khoán và không ký lại hợp đồng giao khoán mới theo quy định tại Nghị định 135/CP ngày 8-11-2005. Do đó, người được giao khoán trước đây phải tự có biện pháp thu hồi tài sản trên đất rừng trong vòng 30 ngày, sau khi biên bản thanh lý hợp đồng có hiệu lực”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết, Nghị định 135 của Chính phủ quy định rừng ngập mặn được quy hoạch là rừng phòng hộ, không được giao khoán nên khi hết hạn hợp đồng Nhà nước sẽ thu hồi lại. Theo ông Tuấn, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đang nghiên cứu và kiến nghị với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc cho phép các hộ được tiếp tục sản xuất nuôi trồng thủy sản trên diện tích đang nhận khoán, kể cả sau khi hợp đồng giao khoán hết hạn. Nhưng hình thức giao - nhận sẽ không phải là khoán mà có thể là hợp đồng thỏa thuận và thời hạn giao rừng chỉ có thể tối đa 5 năm. Sau đó sẽ đánh giá hiệu quả, tác động môi trường để quyết định gia hạn thêm hay không...

Minh Đăng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều