Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường Thủy Sản (ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc): Đường làm dở dang, dân lãnh đủ!

11:06, 22/06/2012

Mỗi khi mưa đến là người dân tại ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) chỉ còn biết lội bộ hoặc đi máy cày mới ra được đường nhựa.

Mỗi khi mưa đến là người dân tại ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) chỉ còn biết lội bộ hoặc đi máy cày mới ra được đường nhựa.

Điều đáng nói là từ khi có dự án cải tạo đường đất thành đường nhựa, mang tên Thủy Sản thì con đường này lại càng khó đi hơn. Dài chưa đầy 2km, nhưng nó đã thật sự trở thành “con đường đau khổ” đối với người dân trong ấp. “Chôm chôm chín đỏ cây không bán được; cá tới lứa thu hoạch không thể chuyển ra ngoài; việc đi lại gặp khó khăn cùng cực... khiến người dân suốt 6 tháng nay chỉ biết than trời”- một nông dân bức xúc nói.

* Trái cây mất giá…

Đến đường Thủy Sản mà người dân lâu nay phản ảnh, chúng tôi liên tục bắt gặp hình ảnh học sinh phải xắn quần tận gối, ì ạch dắt xe đạp lội qua những đoạn bùn lầy và nhiều vũng nước đọng; hay những chiếc xe máy chở nông sản sa lầy. Kể cả xe máy của chúng tôi cũng không thể “vượt ải” dễ dàng, buộc người bạn đi cùng phải bỏ dép, hì hục đẩy, kéo chiếc xe bị lún. Ông Mai Viết Dũng, người dân của ấp cho hay: “Hôm nay nắng ráo nên đỡ đấy, mấy hôm trước là phóng viên khỏi vào”. Theo ông Dũng, chính vì đi lại khó khăn, xe tải lớn nhỏ đều không thể vào tận vườn để thu mua chôm chôm đang vào vụ, khiến giá trái cây ở đây thấp hơn nơi khác 1 ngàn đồng. Giá chôm chôm đến nay chỉ còn 4-5 ngàn đồng/kg nên bà con ở ấp Bưng Cần không ai muốn hái vì tốn công và thu nhập chẳng bao nhiêu.

Hiện tại, người dân ấp Bưng Cần đi lại trên đường Thủy Sản rất khó khăn.
Hiện tại, người dân ấp Bưng Cần đi lại trên đường Thủy Sản rất khó khăn.

Ấp Bưng Cần hiện có khoảng 30 hộ dân, phần lớn đều sinh sống bằng nghề canh tác rau màu và cây ăn trái. Mỗi lần muốn đưa nông sản ra ngoài đường nhựa bán cho thương lái, bà con chỉ dùng xe máy cày, phương tiện duy nhất qua được đường Thủy Sản lầy lội. Thế nhưng, giá thuê xe loại này khá cao, mỗi chuyến 300-400 ngàn đồng, trong khi giá trái cây giảm mạnh nên nông dân không thể bù được chi phí. Đứng cạnh cây chôm chôm chín đỏ quả, anh Dũng than: “Trái chín rực như thế này, nhưng chẳng có thương lái nào vào mua. Mấy bữa trước, nhiều lái buôn còn ráng đến vườn để mua giá thấp, nhưng giờ họ làm eo, muốn bán thì nông dân phải chở đến tận nơi. Giá bán chôm chôm rẻ “như cho”, vậy mà đôi lúc họ cũng không thèm ngó tới…”.

* Nuôi cá không bán được

Không chỉ các hộ trồng cây ăn trái khổ, mà các hộ nuôi thủy sản cũng đang lo lắng khi cá nuôi hiện không biết tìm cách nào để bán. Ở ấp Bưng Cần, có hơn 90% hộ dân nuôi cá và hầu hết cá nuôi đều đã quá lứa thu hoạch. Ông Vũ Văn Hợp, chủ 7 sào cá bộc bạch: “Mỗi tuần, chúng tôi phải chở 2 lần cám, thức ăn cho cá, riêng tiền thuê xe từ đường nhựa vào nhà đã hết 1,4 triệu đồng. Với khoản chi phí này, người nuôi cá không thể có lời”. Chưa hết, số cá người dân nơi đây đang nuôi lẽ ra phải bán từ lâu, nhưng do xe lớn có hệ thống oxy không thể vào tận nhà để bắt cá, trong khi đặc điểm ở cá là không thể chuyển hai ba lần từ xe này sang xe khác. Ông Hợp kể, cách đây 1 tháng xe chở cá của gia đình ông bị sa lầy, không đi được, buộc phải thuê xe tới kéo mất gần 3 triệu đồng. Đến khi ra được đường nhựa thì cá chết gần hết, thương lái lại ép giá, vụ đó ông Hợp coi như trắng tay…

Thời gian qua, do việc tăng gia sản xuất gặp khó khăn trong khâu đi lại, tiêu thụ nông sản nên bà con trong ấp Bưng Cần không dám đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Không chỉ vậy, công trình đường Thủy Sản khi san lấp, đã làm mất đi nhiều mương dẫn nước khiến một số khu đất trước đây trồng hoa màu giờ chỉ để cỏ mọc. Trường hợp ông Phan Đình Cậy nuôi cá nhưng chắc chắn thua lỗ, vì trong thời gian cá không bán được, nước đọng bên đường làm sập tường rào bờ hồ ao, làm cá thoát ra ngoài phân nửa, thiệt hại hàng chục triệu đồng. 

* Bao giờ đường hoàn thành?

Người dân cho biết, dự án xây dựng đường Thủy Sản có huy động vốn đóng góp trong dân, hộ đóng ít nhất 4 triệu đồng, nhiều nhất 35 triệu đồng. Ban đầu, khi nghe nâng cấp đường, người dân hồ hởi, có gia đình nộp luôn 100% số tiền chứ không cần đợi khi hoàn thành. Điều đáng nói là bà con tích cực đóng tiền, nhưng đường thì vẫn chưa làm xong.

Giải thích về sự việc đáng tiếc này, Chủ tịch UBND xã Bảo Hòa Đặng Văn Hùng cho biết, đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng số vốn đầu tư là 4,1 tỷ đồng. Người dân trong ấp đã thực hiện nghiêm túc việc đóng tiền, vấn đề tồn tại ở khâu văn bản. Cụ thể, trước khi có quyết định về việc thi công công trình đường Thủy Sản, xã đã cho thực hiện trước một số phần việc để đẩy nhanh tiến độ. Thế nhưng, trong quá trình san lấp, huyện đã thay đơn vị thiết kế bằng Ban quản lý dự án, điều này đã tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng. Song, thời gian chờ đợi quyết định đấu thầu của UBND huyện khá lâu, nên đơn vị thi công không dám làm nữa vì sợ lỗ.

Ngày 15-6 vừa qua, UBND xã đã ra quyết định, trong vòng 100 ngày đơn vị thi công phải hoàn thành đường Thủy Sản, nếu không sẽ thay đơn vị khác. Tuy nhiên, ngày 18-6, tức sau 3 ngày ra quyết định, bà con ở ấp Bưng Cần chỉ thấy một xe máy múc đất làm việc một lát rồi lại ngưng!

Minh Đăng

 

Tin xem nhiều