Là vùng đất nông nghiệp màu mỡ trồng các loại hoa màu, lúa và cây ăn trái quanh năm tươi tốt. Thế nhưng, hơn 7 năm qua, người dân tại Cánh đồng 1, ấp Thuận Trường, xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) như ngồi trên lửa khi nơi đây có kế hoạch sẽ xây dựng cụm công nghiệp (CCN) rộng 50 hécta. Song, điều đáng nói là cho đến nay, giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Là vùng đất nông nghiệp màu mỡ trồng các loại hoa màu, lúa và cây ăn trái quanh năm tươi tốt. Thế nhưng, hơn 7 năm qua, người dân tại Cánh đồng 1, ấp Thuận Trường, xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) như ngồi trên lửa khi nơi đây có kế hoạch sẽ xây dựng cụm công nghiệp (CCN) rộng 50 hécta. Song, điều đáng nói là cho đến nay, giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
CCN xã Sông Thao được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết ngày 4-2-2009, với tỷ lệ 1/2000. Cho đến bây giờ, CCN vẫn chưa được thực hiện và người dân thì bất an, bởi không biết tương lai mảnh đất của mình sẽ như thế nào.
* “Bờ sôi, ruộng mật”
Theo lãnh đạo UBND xã Sông Thao, lý do để quy hoạch Cánh đồng 1 thành CCN Sông Thao, vì nơi đây nông nghiệp nghèo nàn và nhiều hộ chỉ vừa mới thoát khỏi hộ đặc biệt khó khăn vào năm 2005.
Người dân ấp Thuận Trường, xã Sông Thao đang trông chờ về một giải pháp có thể thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. |
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi ý kiến của người dân nơi đây thì phần lớn đều cho biết, thời gian qua bà con đã an cư lạc nghiệp và có của ăn của để. Bà Nguyễn Thị Hấn có hơn 1 hécta đất nằm trong vùng quy hoạch, nói: “Đất của tôi trồng rau màu, cây chôm chôm bao năm nay không giàu nhưng cũng đủ nuôi sống cả gia đình, con cái ăn học đàng hoàng. Nhà tôi được coi là người nghèo nhất ấp, song cũng không đến nỗi nào”. Tương tự, ông Huỳnh Văn Tho cho hay: “Tất cả bà con đã ổn định nơi ăn chốn ở và đang ăn nên làm ra trên mảnh đất này. Đây là vùng đất đai màu mỡ và điều kiện khí hậu thuận lợi nên cuộc sống người làm nông được sung túc và yên ấm”.
Để chứng minh đây là vùng “nông nghiệp nghèo nàn” mà UBND xã Sông Thao đã đề cập, người dân ấp Thuận Trường dẫn chúng tôi đi tới những ngôi nhà trong ấp. Tại đây, nhà nào cũng được xây kiên cố, khang trang; những vườn tiêu, cà phê, chôm chôm, ruộng lúa tươi tốt. Những hộ gia đình mà chúng tôi đã đến đều khẳng định, thu nhập mỗi hộ hàng năm từ hàng chục đến vài trăm triệu đồng. Một người dân bức xúc nói: “Nếu chỉ ra được nhà nào trong ấp còn nghèo thì chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm”.
* Chờ giải pháp khả thi
Từ khi có kế hoạch xây dựng CCN, bà con trong ấp từ những người nông dân chân chất chẳng biết thế nào là bon chen, nhưng nay đã phải mệt mỏi vì phải đấu tranh đòi quyền lợi cho vùng đất mà họ đã gắn bó nhiều năm qua. Thực tế, họ sẵn sàng giao đất, nếu như giải pháp phát triển kinh tế từ CCN đã quy hoạch từ năm 2009 đến nay, nếu tiếp tục triển khai thì phải được chứng minh đầy đủ, có tính thuyết phục về hiệu quả dự án.
Ấp Thuận Trường, nơi quy hoạch thành cụm công nghiệp Sông Thao. |
Cách đây 5 năm, người dân nơi đây phát hiện công ty đo đạc đất đai phục vụ xây dựng CCN tự ý kéo dây đo đất mà không thông báo với bà con. Lần đó, chính quyền xã lên tiếng nhận thiếu sót. Một thời gian sau, UBND xã cho dựng bản đồ quy hoạch, bà con nhiều lần kịch liệt phản đối nên kế hoạch này cũng bất thành. Trong những lần đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, nhiều đơn thư kiến nghị của bà con được đề đạt, các đại biểu yêu cầu UBND xã phải trả lời công khai những thắc mắc bà con. Tuy nhiên, mọi chuyện cứ rơi vào im lặng. Chưa hết, nhiều người dân khi muốn tách thửa để cho con cái làm ăn cũng không được chấp nhập. Bà Võ Thị Năm than: “Đôi lúc con cái ốm đau muốn bán ít đất để có tiền lo thuốc thang, nhưng không được vì vướng phải quy hoạch “treo” kia. Nhưng vườn tược vẫn phải đầu tư hàng năm. Rau màu thì ít lo lắng, còn cây lâu năm, muốn trồng mới hay bỏ vốn thêm, nông dân mất ăn mất ngủ vì không biết mai này có phải bỏ hết để tới nơi khác sống hay không?”.
Một điều đáng lưu ý là trong 50 hécta mà theo kế hoạch sẽ thành CCN Sông Thao, có 5 hécta trồng lúa nước. Đây chính là điểm “lấn cấn” khiến cho kế hoạch xây dựng CCN chưa đi đến hồi kết. Trong khi đó, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định rõ: Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng. Thứ hai, phải có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Thứ ba, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định. |
Theo bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến người dân của Đảng ủy xã Sông Thao về vận động triển khai thực hiện quy hoạch CCN ngày 5-12-2010, thì trong số 52 hộ có đến 41 hộ nhất trí với quy hoạch. Điều mà người dân chờ đợi, đó là một giải pháp khả thi để địa phương có cơ hội phát triển; người dân có điều kiện làm giàu. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là, quy hoạch “treo” ấy có được tiếp tục triển khai và theo hướng nào thì phù hợp với tình hình mới, cần phải cân nhắc. Phần lớn hiện nay bà con không đồng thuận với chính sách phát triển CCN Sông Thao, là do bị “treo” khá lâu. Giải thích vấn đề này, ngày 28-5-2012, UBND xã Sông Thao có báo cáo gửi Thường trực HĐND huyện Trảng Bom, cho rằng ý kiến của bà con về việc không xây dựng CCN là chính đáng, phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng vì sao UBND xã vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch này, ông Lê Tư Thành, Chủ tịch UBND xã Sông Thao, nhấn mạnh: “Sông Thao là xã thuần nông, trong số những gia đình khá giả thì nhiều hộ vừa mới thoát nghèo. Mong muốn của địa phương là đa dạng hóa cơ cấu kinh tế để địa phương có cơ hội phát triển. Tuy vậy, kế hoạch xây dựng CCN (từ năm 2009) đến cuối năm 2011 nay không còn hiệu lực. UBND xã đã hai lần đề xuất lãnh đạo huyện quan tâm xem xét, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo”. Trả lời về việc người dân gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà cửa, ông Thành khẳng định: “Không có cản trở pháp lý gì ở đây, bà con cứ canh tác và giao dịch bình thường”.
Minh Đăng