Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập trong dạy nghề cho lao động nông thôn

09:06, 29/06/2012

“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” là  đề án được thực hiện gần hai năm nay, trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, đã mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, những ngành nghề mà người lao động đã học, xem ra không mấy khả thi…

“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” là  đề án được thực hiện gần hai năm nay, trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, đã mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, những ngành nghề mà người lao động đã học, xem ra không mấy khả thi…

Cả 9 huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa đều thực hiện đề án đào tạo nghề ở nông thôn với hàng trăm ngành nghề được giới thiệu rộng rãi. Kết quả, khóa nghề đầu tiên (30-9-2011), có đến hơn 88% người có việc làm sau khóa học, cao hơn so với chỉ tiêu cả nước chỉ là 18%. Tỷ lệ này nhìn chung rất đáng khích lệ, song thống kê cho thấy, đúng là số LĐNT qua đào tạo nghề có việc làm, nhưng phần lớn lại làm khác nghề đã học.

* Học nghề cho có… phong trào

Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT rất  được xã hội quan tâm, hưởng ứng. Qua đó, nhiều thành phần lâu nay chỉ biết bám ruộng đồng đều hăng hái tham gia các khóa học, vì theo họ, đây là cơ hội để nông dân được rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một nghề thực thụ, để có thể từ đó tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mấy ai sống được bằng nghề sau khi học?

Nông dân học nghề đan lưới.                                                                                                           Ảnh: M. Đăng
Nông dân học nghề đan lưới. Ảnh: M. Đăng

Anh T., một nông dân từ nhỏ đã luôn phải "đầu tắt mặt tối" bên thửa ruộng nhà mình. Khi địa phương phát động phong trào học nghề, T. sốt sắng đăng ký theo học và không buổi nào vắng mặt. Điều đáng nói là thay vì học một nghề nào đó phù hợp với khả năng thì T. lại cùng với hàng chục bạn khác học nghề… uốn tóc. Trả lời vì sao học nghề này, anh T. tỉnh bơ: “Không biết, thấy ai cũng học nên tôi học theo”. T. thừa nhận, sau thời gian lên lớp, dù có biết “chút chút” về kỹ thuật uốn tóc nhưng còn lâu mới mở tiệm được, bởi chi phí để có một tiệm làm tóc đúng nghĩa, không phải nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư. Hơn nữa, cả xã ai cũng học uốn tóc, ai cũng mở tiệm thì ai là khách? Cho nên theo anh T., học thì vui lắm, bởi còn được tiền bồi dưỡng, nhưng học xong có làm được hay không lại là chuyện khác.

Tình hình đào tạo nghề cho LĐNT tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện như một phong trào, nên thiếu tính định hướng cụ thể cho nông dân ngay từ đầu. Cụ thể như tại Trung tâm dạy nghề huyện Trảng Bom, đánh giá kết quả sau đào tạo năm 2011 thì số lượng người học nghề trang điểm, cắm hoa và nấu ăn lên đến gần 250 người trong tổng số 550 người tham gia học, trong khi đó cơ khí và may công nghiệp chỉ có 21 người. Hay tại trung tâm dạy nghề TX. Long Khánh, trong tổng số 387 người thì có  235 người học nấu ăn, chiếm 64% tổng số người học. Một thực tế là các cơ quan, đoàn thể tham gia lớp đào tạo nghề ít hướng dẫn về sở thích phù hợp đối với người lao động. Nói cách khác, ai muốn học nghề gì thì các trung tâm dạy nghề sẽ mở những lớp đó. Trong khi đó, nhu cầu và thực tế của thị trường đối với một số ngành nghề lại không hề phù hợp.

* Đầu ra còn bỏ ngỏ

Đào tạo nghề cho LĐNT là 1/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều nông dân khi học nghề luôn mong muốn có được một việc làm ổn định trong cuộc sống. Thế nhưng, đề án đào tạo nghề thời gian qua mới cơ bản dạy cho mọi người hiểu về nghề và kiến thức chuyên môn, còn sau khi học, LĐNT có làm được việc mà họ đã học không thì vẫn đang bỏ ngỏ.

Trong kế hoạch thực hiện đề án năm 2012, sẽ có 10 ngàn lao động trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề với mục tiêu đạt tỷ lệ trên 70% có việc làm. Ban chỉ đạo đề án chú trọng tư vấn chọn nghề của người học, cải tiến, nâng cao chất lượng học tập chứ không đề cao số lượng như trước đây. Vấn đề quan trọng nhất sau đào tạo là tìm đầu ra cho sản phẩm. Giải quyết được yêu cầu này thì đề án đào tạo nghề cho LĐNT mới thực sự phát huy hiệu quả.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Phó phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết: “Hiện nay các lớp nghề mở ra là do nhu cầu tự phát của người dân, vì vậy thiếu sự định hướng, giải thích cụ thể, rõ ràng từ phía Nhà nước để mọi người có sự lựa chọn đúng đắn. Đây là bài toán nan giải, mà đến nay ngành chức năng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tháo gỡ để giải quyết cho chuyện hậu đào tạo này”.

Theo ông Linh, để đề án thực sự đi vào chiều sâu, LĐNT phải chọn cho mình hướng đi phù hợp với năng lực bản thân thì mới giải quyết được đầu ra cho những sản phẩm làm ra sau khi có nghề. Và đây là nhiệm vụ chung, không chỉ của Sở Lao động - thương binh và xã hội.

Cái khó đối với người dân sau khi học nghề, làm nghề là vẫn phải tự mình tìm đầu ra cho các sản phẩm. Những mô hình như kỹ thuật nuôi gà công nghiệp của Trung tâm dạy nghề Thanh Niên; may công nghiệp kết hợp may dân dụng của Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán; chăn nuôi gà thả vườn lồng ghép với máy ấp trứng - máy chế biến thức ăn của Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán… đều có điểm chung là các cơ quan, đoàn thể theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ và có đầu ra cho nhân lực và sản phẩm của người lao động. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là số ít, trong khi đó phần lớn LĐNT học xong thì không có việc làm và cuối cùng lại quay về với công việc làm nông xưa nay…

Minh Đăng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều