Lâu nay, tình trạng vỡ nợ trong cộng đồng dân cư với số tiền lên tới bạc tỷ, không còn là chuyện hiếm. Thông thường, khi người vay, nếu không còn khả năng chi trả, thì để lại hậu quả rất khó giải quyết...
Lâu nay, tình trạng vỡ nợ trong cộng đồng dân cư với số tiền lên tới bạc tỷ, không còn là chuyện hiếm. Thông thường, khi người vay, nếu không còn khả năng chi trả, thì để lại hậu quả rất khó giải quyết...
Nhiều năm nay, tình trạng khiếu nại, tố cáo về việc cho vay nợ, có dấu hiệu lừa đảo, xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hầu hết các trường hợp gửi đơn đến cơ quan chức năng với nội dung cho người khác vay tiền nhưng không hoàn trả đúng hẹn, kéo dài; thậm chí người vay không có khả năng trả nợ và tuyên bố phá sản.
* Nợ khó đòi
Đến nay, người dân ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) vẫn chưa quên vụ vỡ nợ hàng tỷ đồng của bà T.H. ở ấp Võ Dõng 1, cách đây không lâu. Công an huyện Thống Nhất đã nhận được 22 đơn thư tố cáo của người dân trong khu vực, huyện Tân Phú và TP.Hồ Chí Minh. Qua xác minh, bà H. nợ tổng cộng của 56 người với số tiền gần 20 tỷ đồng, 125 ngàn USD và 5 lượng vàng. Tuy nhiên, bà H. cũng cho nhiều người khác vay mượn tiền nhưng không thể đòi về để trả cho các chủ nợ. Đây là vụ vay nợ lớn, liên quan đến nhiều người, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Điều đáng nói là việc vay mượn này chỉ thỏa thuận miệng hoặc bằng giấy viết tay, nên không có cơ sở để chứng minh bà H. vi phạm pháp luật.
Đầu năm nay, cũng tại huyện Thống Nhất, một vụ án gây thương tích, xảy ra ngay ngày mùng 1 Tết tại ấp Bạch Lâm, xã Gia Tân 2. Nguyên nhân ban đầu do anh Đ.P. đến đòi nợ anh Q.H., số tiền 400 triệu đồng nhưng không được nên xảy ra cãi vã. Anh P. đã dùng dao đâm trọng thương con nợ. Kết quả, anh H. nhập viện với thương tích khá nặng còn anh P. hiện vẫn bị giam giữ.
Một trường hợp khác là bà T.T.L. ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) nhiều tháng nay mang đơn tìm đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Theo đơn, bà T.D. vay tiền của bà L. để làm ăn với tổng số nợ lên đến 931 triệu đồng, nhưng nhiều khả năng bà D. không chi trả được. Bà L. đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Long Thành, đề nghị được giải quyết. Trong khi đó, bà D. có ý định tẩu tán tài sản để... quỵt nợ.
* Khó kết luận vi phạm pháp luật
Trước thực trạng cho vay nợ không trả, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, các ngành chức năng đã cảnh báo người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về cho vay tài sản.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình điều tra, Thiếu tá Nguyễn Văn Lý, Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ huyện Thống Nhất cho biết: “Trong công tác điều tra, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng, như: cơ sở để kết luận tội “gian dối” thường không rõ ràng. Bên cạnh đó, trước đây khi Luật Cư trú chưa sửa đổi thì chỉ cần xác minh ở địa phương, nếu con nợ vắng mặt không đăng ký tạm vắng thì xem như bỏ trốn. Nhưng hiện nay, Luật Cư trú quy định khi đi khỏi địa phương, không cần phải đăng ký tạm vắng nên việc xác định dấu hiệu bỏ trốn là rất khó khăn. Mặt khác, phần lớn các đối tượng sau khi vay mượn bị vỡ nợ, không còn tài sản gì nên rất khó khăn trong việc xác minh số tiền vay được có sử dụng bất hợp pháp hay không. Vì thế, nhiều vụ việc giá trị tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng nhưng không thể khởi tố hình sự”.
Ngọc Liên