Theo quy định, các đại lý internet mở cửa từ 6 - 24 giờ nhưng chỉ được cung cấp game online từ 8 - 22 giờ. Tuy nhiên, nhiều điểm internet ở TP.Biên Hòa vẫn nhộn nhịp hoạt động sau thời gian này...
Theo quy định, các đại lý internet mở cửa từ 6 - 24 giờ nhưng chỉ được cung cấp game online từ 8 - 22 giờ. Tuy nhiên, nhiều điểm internet ở TP.Biên Hòa vẫn nhộn nhịp hoạt động sau thời gian này...
Bằng nhiều phương pháp đối phó khác nhau nhưng khá hiệu quả, nhiều đại lý internet đã qua mặt được cơ quan chức năng khi hàng đêm “cửa đóng then cài”, song khách đến chơi thì vô tư... không ngủ.
* Kỳ phùng địch thủ
23 giờ một ngày cuối tháng 4, tại quán game online T.K. trên đường Võ Thị Sáu (phường Quyết Thắng), hàng chục game thủ chăm chú vào màn hình máy tính với những trò chơi trực tuyến. Có thể nói, thời gian đối với những người chơi game thâu đêm suốt sáng đã trở thành thứ vô nghĩa. Trong một không gian nhỏ hẹp, khói thuốc lá nồng nặc cùng những tiếng chửi thề bâng quơ, dường như là “cõi riêng” của những người nghiện game.
Đêm đã khuya nhưng những “game thủ” vẫn dán mắt vào màn hình. |
21 giờ 40, chúng tôi vào điểm game T.T. trên đường Phạm Văn Thuận. Tại đây, 30 máy tính có người ngồi gần hết. Những “game thủ” tai đeo headphone, dán mắt vào màn hình và hai tay liên tục lả lướt trên bàn phím. Ngay khi chúng tôi bước vào, người quản lý game hỏi: “Tụi mày có hút thuốc lá không? Nếu nghiện thì vào phòng trong, còn không thì ngồi ngoài này”. Thì ra điểm này có 2 phòng, phía sau dành cho người chơi game phì phèo điếu thuốc.
Chúng tôi chọn hai bàn ở phòng ngoài, gần với những khuôn mặt trẻ con nhưng khá thành thạo về game. 22 giờ 30, chủ quán khép hờ cửa nhưng bên trong, cảnh chém từ các trò online vẫn diễn ra ì xèo. Thỉnh thoảng, một tiếng nói vang lên “mẹ kiếp” như tiếc rẻ điều gì đó. Gần 23 giờ, chúng tôi kêu tính tiền thì tay thanh niên quản lý hỏi: “Bọn mày truy cập cái gì mà nhanh vậy, không chơi nữa à?”. “Khuya rồi, muốn chơi võ lâm nữa có được đâu nên về thôi” - tôi trả lời. Người này ngạc nhiên hỏi: “Mày chơi tới sáng cũng được!”. “Ủa, không phải qua khỏi 22 giờ là cắt mạng, chỉ chơi được mấy trò trong máy thôi sao?” - tôi hỏi tiếp. “Mày điên à, ai mà ngắt. Có chơi tiếp không để tao khỏi tắt máy?” - anh quản lý nói.
Nhộn nhịp không kém quán T.T. là quán game L.T trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Hòa Bình). Thoạt nhìn khó có thể biết nơi đây còn hoạt động, dù đã rất khuya. Bởi bên ngoài nhìn vào, chỉ có cánh cửa khép hờ. Tôi cùng người bạn lách vội qua khe cửa. Lúc ấy, đồng hồ chỉ 23 giờ 15 nhưng trong quán vẫn chật kín. Sau khi chúng tôi vào, thỉnh thoảng có vài khách tiếp tục đến chơi. Thực tế, những người này “di quân” từ một số điểm game ở nơi khác, qua bên này để tiếp tục được “cày” game. Trong quá trình “ngồi đồng” ở tiệm game L.T, tôi không khỏi giật mình vì những loại game trực tuyến, như: Mu Thần Long, Audition, Võ Lâm Chi Mộng, Tam Quốc Truyền Kỳ... đều không được truy cập ở thời điểm này. Thấy chúng tôi ngồi khá lâu, chủ quán hỏi giọng uể oải: “Chơi tới mấy giờ, nếu tới sáng thì cho xin thêm 10 ngàn đồng”.
* Ngột ngạt "văn hóa game"
Để tránh bị phát hiện việc kinh doanh game quá giờ, nhiều chủ đại lý internet khi tới “G”, liền khép cửa lại. Tuy nhiên, đối với dân ghiền game thì cửa tiệm không mở lớn chính là dấu hiệu chủ nhà vẫn đón tiếp khách. Không ít điểm còn có chỗ kín đáo để giấu xe máy. Do vậy, cơ quan chức năng dễ bị “lừa” khi tiệm kinh doanh internet tắt đèn và không có xe để bên ngoài.
Trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có khoảng 500 đại lý internet hoạt động, trong đó có nhiều điểm đông khách vào những ngày cuối tuần và hàng ngày từ 20 giờ trở đi. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của các tiệm internet, chính vì vậy việc “đuổi” khách ra về sau 22 giờ xem ra các chủ quán khó lòng thực hiện... |
Một trong những “chiêu” dụ khách tại các tiệm game, là nếu bị cắt trực tuyến thì quán vẫn còn đường truyền đăng ký theo dạng thuê bao cá nhân hoặc dùng thiết bị D-com để phục vụ nhu cầu của “game thủ”. Phần lớn dân ghiền game đi chơi đêm, đa phần là học sinh phổ thông. Độ tuổi này thường chọn trò chơi bắn giết rùng rợn và đẫm máu. Những pha hỗn chiến luôn kích thích thần kinh của người chơi nên khiến họ rất dễ kích động, miệng liên tục chửi thề. Và khi đã ghiền thì tất cả tận dụng mọi thời điểm, cơ hội có được để chơi game, bất chấp sức khỏe giảm sút. Lý giải cho tình trạng mê game của mình, Hùng - một “game thủ” đang học lớp 10 nói: “Khi chơi là quên hết những gì xung quanh, kể cả gia đình, cha mẹ. Mỗi lần bị ức chế vì đối phương hay chọc tức và hack (ăn cắp) đồ của mình là máu nóng nổi lên. Vì vậy, lần nào giết được quân đối phương là phải... chửi cho đã miệng, để xả stress...”. Đương nhiên, để có tiền vùi đầu vào trò chơi “đã ghiền thì khó bỏ” này, Hùng cũng như các “game thủ” nhỏ tuổi khác phải tìm đủ mọi cách để moi tiền nhà, đây là điều không thể tránh khỏi.
Nói về tình trạng kinh doanh game về khuya, bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông cho biết: “Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng văn hóa địa phương về việc tăng cường quản lý hoạt động của các điểm kinh doanh game internet, nhất là sau 22 giờ. Từ khi có quyết định cấm đại lý game online hoạt động sau 22 giờ đêm thì tình trạng vi phạm không còn nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi không thực hiện nghiêm túc, lén lút mở cửa sau giờ quy định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động này. Với những đại lý game online mở cửa quá 22 giờ, lần đầu nhắc nhở, sau 3 lần vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị cắt đường truyền và bị xử phạt hành chính”.
Minh Trung