Thời gian gần đây, tại những khu vực công cộng, như: chợ, công viên, bến xe xuất hiện một số người làm nghề bói dạo. Mỗi ngày họ đến đây, chủ động tìm “khách hàng” rồi “xủ quẻ”, hòng moi tiền những người cả tin…
Thời gian gần đây, tại những khu vực công cộng, như: chợ, công viên, bến xe xuất hiện một số người làm nghề bói dạo. Mỗi ngày họ đến đây, chủ động tìm “khách hàng” rồi “xủ quẻ”, hòng moi tiền những người cả tin…
* Bị người cõi âm theo (?!)
Hòa vào dòng người đang mua sắm tại chợ Biên Hòa, một phụ nữ khoảng 45 tuổi, ăn mặc tươm tất, tay xách giỏ to, mắt láo liên. Điểm khác biệt của người phụ nữ này là không tìm đến các sạp để mua hàng, mà cứ nhìn chằm chằm vào người đi chợ. Sau khi chọn được “con mồi”, chị ta lân la tới bắt chuyện: “Trông sắc mặt cô không được tốt lắm, nhân trung hơi xám đen. Dạo gần đây, cô gặp nhiều phiền phức lắm phải không?”. Thấy khách còn đang phân vân, người phụ nữ “phán” thêm: “Tôi đoán có người cõi âm đang theo cô đó. Tội nghiệp, để tôi giúp, không tốn tiền bạc gì. Tôi làm chủ yếu là muốn giúp người, lấy phước...”.
Xem bói công khai trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). |
Đã có không ít người nghe lời dụ ngọt trên mà “dính bẫy”. Đơn cử như trường hợp của chị P. ở phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Chị P. kể: “Chị ta dắt tôi vào góc chợ xem chỉ tay, và nói đủ thứ chuyện xui xẻo mà tôi sẽ gặp trong tháng tới. Lúc đó, tôi rất lo lắng, sợ hãi nên đưa chị 200 ngàn đồng để mua “bùa”, nhờ chị giải hạn để tránh bị người cõi âm theo phá” (?!). Sau một thời gian, P. vẫn bình yên vô sự, ngẫm lại chị nhận định, thủ đoạn của “thầy bói” là đánh vào tâm lý những người nhẹ dạ rồi phán đoán, nương theo câu chuyện của đối tượng là chính. Thường thì phụ nữ hay tin chuyện “cõi âm” nên không ngại bỏ tiền để “mua” sự bình an.
Trong vai một người cần biết về “tình duyên, gia đạo”, chúng tôi đến công viên Long Bình (TP.Biên Hòa) và được một người phụ nữ khoảng 36 tuổi tiếp cận. Ban đầu, chị ta hỏi thăm gia cảnh, nghề nghiệp của người đối diện, sau đó tự xưng mình là “con trời”. Để thể hiện là người “cõi trên”, “bà thầy bói” nhìn về hướng mặt trời một hồi rồi “phán” khá nhiều về tương lai của tôi. Đại loại: “Công việc cô ổn định, có nhiều cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, trong nhà hay có chuyện lục đục do bị người cõi âm quấy phá. Người này chính là ông chú trong dòng tộc bị chết trẻ nhưng không được gia đình thờ cúng. Nếu được thờ cúng đàng hoàng, chắc chắn gia đạo sẽ yên ổn...”. Tréo ngoe ở chỗ, gia đình tôi không có ai chết trẻ như “người con trời” đã nói.
Sau tôi, nhiều người khác cũng được “dạy dỗ” phải làm thế này, thế khác thì mới được “tai qua nạn khỏi”. Điểm chung của “bà thầy” này là nếu thấy khách có vẻ tin tưởng, chị ta liền cho số điện thoại, không quên lời dặn: “Nếu cần cúng giải hạn thì liên hệ với chị”.
* Bói ra... bệnh
Tình trạng vừa xem bói vừa bán thuốc từ những loại rễ cây, củ... hiện nay cũng khá phổ biến ở các chợ nhỏ. Với chiêu bài “nhìn mặt bắt hình dong”, những “thầy bói” vệ đường ra vẻ hiểu biết về sắc mặt, thần thái, dáng vóc cơ thể của người đối diện. Họ không ngần ngại “chẩn đoán” rằng: Chị bị bệnh này; cô đã mắc bệnh kia, không chữa sẽ nguy hiểm... và cuối cùng thì “chốt” lại: ”Mua thuốc của tôi về uống, bảo đảm hết bệnh!”.
Trên địa bàn TP.Biên Hòa còn có hình thức bói bài. Người hành nghề này chỉ với phương tiện rất đơn giản: một bộ bài tây, một ghế nhỏ và dù che nắng để trá hình thành người bán thuốc lá tại công viên, nhà chờ xe buýt, cổng bệnh viện là tha hồ “tác nghiệp”. Mỗi quẻ bói bài thường có giá từ 10-50 ngàn đồng. |
Trên đường Trần Minh Trí (TP.Biên Hòa) đoạn phía trước các quán ăn lâu nay xuất hiện một phụ nữ, đi tới đi lui trên vỉa hè. Hễ thấy người đi đường là nữ dừng xe mua đồ ăn là chị này tới bắt chuyện, xem bói miễn phí. Câu chuyện được khởi đầu là: “Cô có tướng giàu sang, phú quý. Sau này con cái nhờ tướng và phúc đức của mẹ nên làm ăn phát đạt...”. Sau đó, chị ta lấy trong người ra một gói giấy, bên trong là cành cây, rễ, lá khô rồi nói tiếp: “Nhưng nhìn cô thấy có vẻ mỏi mệt, da mặt không được tốt cho lắm. Cô bị nóng đấy, uống thuốc này da dẻ mịn màng, khí huyết lưu thông. Tôi bán thuốc làm phúc nên chỉ lấy 10 ngàn đồng/thang”.
Mới đây nhất vào giữa tháng 5 vừa qua, tại chợ Dầu Giây, xã Bàu Hàm (huyện Thống Nhất), sau một hồi rao bán thuốc đông y gia truyền chẳng ai tới mua, người đàn ông trung niên - chủ số thuốc này liền đến các quầy hàng tìm khách coi bói và… tiếp thị thuốc. Theo nhẩm tính của một chủ sạp trong chợ, chỉ chừng vài giờ sau đó, “ông thầy thuốc” đã bán được hơn 20 gói thuốc, cũng bằng nghề... coi tướng số.
Thực tế, các loại lá, rễ cây, cỏ phơi khô được gọi là thuốc, được bày bán trên đường không hề có nhãn mác ghi thành phần, công dụng, xuất xứ, và đương nhiên không có chứng nhận kiểm định của ngành y tế. Song, vẫn có nhiều người mua, cơ bản vì bị “dụ”, hoặc có người đã lỡ xem bói mà không lấy thuốc thì ngại, một phần thì bị kèo nài nên đành móc túi cho xong chuyện.
Kim Liễu