Báo Đồng Nai điện tử
En

“Thung lũng”… trong thành phố (?!)

09:05, 02/05/2012

Dù đã có quyết định ngừng khai thác từ hơn một năm nay, thế nhưng nhiều mỏ đá tại khu vực xã Hóa An, TP.Biên Hòa đến nay vẫn hoạt động. Tại những khu vực mỏ hiện nay có những hố sâu thăm thẳm, chẳng khác gì… thung lũng!

Dù đã có quyết định ngừng khai thác từ hơn một năm nay, thế nhưng nhiều mỏ đá tại khu vực xã Hóa An, TP.Biên Hòa đến nay vẫn hoạt động. Tại những khu vực mỏ hiện nay có những hố sâu thăm thẳm, chẳng khác gì… thung lũng!

Những “thung lũng” được hình thành từ các mỏ đá.                                                                                                                                          Ảnh: M.ĐĂNG
Những “thung lũng” được hình thành từ các mỏ đá. Ảnh: M.ĐĂNG

Nhiều ngày liên tục, chúng tôi có mặt trên đường tỉnh (ĐT) 760 (tỉnh lộ 16), đoạn thuộc xã Hóa An. Tại đây, ngày nào xe ben từ trong các mỏ đá cũng phóng ào ào, bỏ lại sau lưng một khoảng trời mù mịt. Nếu có lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuyến đường này có vẻ yên ả, còn không thì nó trở nên sôi động hẳn bởi những chiếc xe ben chở đá liên tục tung bụi xuống đường.

* Đua nhau… móc khoáng sản

Một ngày cuối tháng tư, được một “cò” đá hướng dẫn, chúng tôi thâm nhập vào mỏ đá T.H. Vào được bên trong, chúng tôi thấy hàng chục xe múc đang hoạt động không ngừng nghỉ để móc đá lên xe ben. Một tài xế đang làm việc ở khu vực này cho biết, thời gian gần đây do lệnh cấm khai thác đá nên số lượng xe hoạt động trong mỏ không nhiều như trước, và đương nhiên không thể nổ mìn, phá đá nữa. Tuy nhiên, trong phạm vi hàng chục hécta của mỏ này, số lượng đá đã được nổ và bắn nhỏ vẫn còn hàng ngàn tấn.

Đường xuống khu vực khai thác đá có độ dốc cao, rất khó đi bằng xe gắn máy, nhất là khi đi lên, nên chúng tôi phải nài nỉ một tài xế xe ben chở xuống tận đáy mỏ. Từ dưới nhìn lên, tôi không khỏi choáng ngợp vì độ cao ngất ngưởng, sừng sững của vách đá. “Còn cạn chán! Chỗ này chỉ chừng 70m thôi, mấy mỏ khác còn sâu hơn nữa. Không tin mấy chú đi xem thử” - ông Đ. người lái xe ben nói.

Xe chở đá từ trong các mỏ tiếp tục tung bụi mịt mù trên đường tỉnh 760.  Ảnh: M.ĐĂNG
Xe chở đá từ trong các mỏ tiếp tục tung bụi mịt mù trên đường tỉnh 760. Ảnh: M.ĐĂNG

Rời mỏ T.H., chúng tôi đến mỏ đá P.T. Đúng như tài xế Đ. nói, khoảng cách từ mặt đất xuống tới đáy mỏ, sâu hơn rất nhiều so với mỏ T.H. Khi chúng tôi đến, nơi đây có hàng chục xe cần cẩu đang ráo riết hoạt động để đưa đá lên bãi chứa. Tiếng máy nổ của động cơ liên tục gầm rú, cho thấy mỏ đá này chẳng có biểu hiện gì phải chuẩn bị đóng cửa. “Đá đẹp quá mà không khai thác nữa thì uổng lắm!” - N.H., tay “cò” đá dẫn đường cho tôi nói. Theo H., chất lượng đá ở Hóa An hơn hẳn những khu vực khác, như: Sóc Lu, Phước Tân. Chính vì vậy, dân thầu xây dựng rất chuộng loại đá này vì đạt chuẩn. Thế nên, không khó hiểu vì sao các mỏ đá ở khu vực Hóa An vẫn tiếp tục tận thu loại khoáng sản mà nhu cầu trên thị trường ngày càng tăng.

Quá trình giúp chúng tôi vào được các mỏ đá, “cò” H. cho biết, theo quy định thì độ sâu tối đa cho phép khai thác đá là âm 60m - tính từ mặt đất xuống. Song, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm cách khoét sâu hơn, không ít mỏ vượt độ sâu từ 1 - 3 lần. Mặt khác, độ nghiêng cho phép của các khu vực khai thác là 75 độ, trong khi đó tại những nơi mà chúng tôi đã đến, có những vách đá dựng đứng gần như thẳng tắp.

* Không vi phạm... mới lạ

* Đầu tháng 4 vừa qua, tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Biên Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở đề nghị thành phố phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra lại các bến bãi khai thác đá và kiên quyết thực hiện đóng cửa các mỏ đá đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật...

* Một đại diện của Đội Thanh tra giao thông phụ trách địa bàn TP.Biên Hòa cho biết: Thời gian qua, từ công tác phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thành lập đội thanh tra chuyên ngành để kiểm tra tình hình xe chở đá từ các bến, bãi, mỏ đá ở Hóa An ra đường lộ. Chỉ tính trong tháng 3, cơ quan chức năng đã phát hiện 53 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, với các hình thức vi phạm, như: chở quá tải, không che mui bạt, làm rơi vãi đá xuống đường...

 

Chỉ tính năm 2010, khi tiến hành kiểm tra các mỏ đá đang khai thác trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm. Cụ thể: tháng 8-2010, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) khảo sát 37 mỏ đá, phát hiện 9 mỏ khai thác vượt độ sâu, tổng số tiền phạt là 84 triệu đồng. Đứng đầu là Công ty cổ phần đá Hóa An, khai thác ngoài khu vực cho phép với tổng diện tích 9,2 hécta, nơi sâu nhất đến 81m; tiếp đến là Công ty TNHH An Phú, khai thác vượt quy định 1,28 hécta, đoạn sâu nhất 76m; mỏ đá Tân Hạnh 1A thuộc Công ty TNHH Hiệp Phong, tự ý khai thác trong phạm vi 1,57 hécta, nơi sâu nhất 76m. Ở mỏ đá Tân Hạnh, Công ty Đồng Tân cũng khai thác ngoài khu vực được phép trên diện tích 1,2 hécta, nơi sâu nhất 70m. Hay như mỏ đá Tân Bản của Công ty TNHH MTV xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC) cũng khai thác ngoài khu vực cấp phép với diện tích khoảng 0,54 hécta, nơi sâu nhất 31m. Riêng 8 tháng đầu năm 2011, Sở TN-MT cùng với các ban, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và phát hiện 11 trường hợp khai thác vượt độ sâu và không đúng thiết kế. Trong đó, mỏ đá Hóa An bị phạt gần 4,8 tỷ đồng, các mỏ còn lại như: Đồng Tân, Bình Hòa, BBCC bị phạt xấp xỉ 200 triệu đồng. Đáng kể là theo quy định, sau khi hết hạn khai thác, doanh nghiệp phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bằng cách làm hàng rào, trồng cây xanh và san gạt đáy hố đá để tạo thành hồ chứa nước. Song, các mỏ đá ở khu vực Hóa An giờ đây vẫn là... mỏ đá.

Nói về những bất cập trong quy định xử phạt vi phạm về khai thác khoáng sản, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN-MT Phạm Hữu Nghĩa bức xúc: “Trước đây, quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản là phạt theo hành vi chứ không phải theo mức độ vi phạm. Theo đó, nếu khai thác vượt quá khối lượng 1m3 thì cũng bị phạt số tiền ngang bằng với việc khai thác vượt quá hàng ngàn m3. Do đó, nhiều doanh nghiệp “sẵn sàng” tái phạm, vì biết rằng chỉ bị phạt tới khung cao nhất là 12 triệu đồng. Đầu năm 2011, khi có quyết định mới về việc truy thu số lượng đá đã khai thác vượt mức nên cơ quan chức năng xử lý công bằng, triệt để hơn những trường hợp vi phạm”. Theo ông Nghĩa, trong thời gian tới Sở TN-MT tiếp tục đi kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, nếu mỏ đá nào khai thác vượt độ nghiêng hơn 75 độ thì phải nhanh chóng tiến hành lấy đá lấp lại cho đúng quy định, nếu không sẽ bị xử lý.

Minh Đăng

 

 

Tin xem nhiều