Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao đối phó tình trạng gian lận tại cây xăng?

11:05, 30/05/2012

Nhiều người khẳng định, mỗi lần đổ xăng cho xe gắn máy, đã bị các cây xăng gian lận về thể tích…

 

Nhiều người khẳng định, mỗi lần đổ xăng cho xe gắn máy, đã bị các cây xăng gian lận về thể tích…

Thực ra, để không bị các cây xăng “móc túi” oan uổng, quả không dễ, bởi người bán có rất nhiều mánh khóe để “qua mặt” người mua. Trong khi Nhà nước chưa tìm ra giải pháp hòng ngăn chặn triệt để tình trạng gian lận xăng, dầu thì người tiêu dùng cần cảnh giác nhằm tránh bị thiệt.

* Những mánh gian lận...

Phải nói rằng, “chiêu” gian lận xăng dầu được nhiều cây xăng áp dụng là “bấm cò” để đẩy số tiền trên bảng điện tử nhảy nhanh hơn. Nạn nhân thường là những khách hàng mua xăng, dầu với số tiền chẵn là 20, 50, 60, ngàn đồng…, qua đó nhân viên đong hàng chỉ cần một thao tác nhanh nhẹn “nhịp cò” trên cần bom xăng là số tiền trên bảng sẽ “nhảy cóc”. Cụ thể, nếu khách yêu cầu đổ 50 ngàn đồng thì khi canh tới con số 40, nhân viên sẽ “ảo thuật” để đồng hồ nhảy lên số 50, nhưng lượng xăng chỉ dừng lại ở khoản tiền 40 ngàn đồng. Như vậy, người mua đã bị “móc túi” 10 ngàn đồng mà không hề biết trò bịp bợm này.

Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng trên quốc lộ 51 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: C. Nghĩa
Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng trên quốc lộ 51 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: C. Nghĩa

Trong một lần đến đổ xăng tại một cửa hàng gần Vườn Mít, trong lúc chờ đợi đến lượt, anh Trần Hùng, ngụ ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa tận mắt chứng kiến kiểu biến hóa này của các nhân viên nơi đây. Nói về tình trạng người tiêu dùng bị qua mặt, anh Hùng bức xúc: “Chiều ngày 20-5 vừa qua, tôi yêu cầu đổ 50 ngàn đồng cho xe gắn máy. Khi nhân viên bấm cò, tôi chú ý quan sát bảng điện tử thì thấy ở phần tính tiền đột nhiên dừng lại ở mức 40 ngàn đồng, nhưng liền sau đó nhảy sang số 50 ngàn đồng. Tôi hỏi nhân viên là đã đổ cho tôi bao nhiêu tiền, anh ta bảo là 50 ngàn đồng. Bất bình, tôi yêu cầu kiểm tra lại hệ thống tính tiền, mới phát hiện đồng hồ chỉ hiện lên con số 40 ngàn đồng. Sau đó, họ xin lỗi và cho biết là... nghe nhầm nên sau đó đổ thêm cho tôi 10 ngàn đồng nữa”.

Quá trình quan sát tại một số cửa hàng xăng, chúng tôi nhận thấy, nhiều lúc nhân viên áp dụng chiêu “đổ chồng” để ăn chặn tiền của khách, đặc biệt là vào thời điểm lượng người mua phải xếp hàng chen chúc. Chẳng hạn, theo quy định, mỗi lần đổ xăng cho một người khách xong, phải bấm bảng số tiền hiển thị trên màn hình quay lại về số 0, thì nhân viên vẫn tiếp tục "bấm cò" bán cho những người tiếp theo. Đương nhiên, nếu làm theo cách này thì lượng xăng có thể “ăn gian” được bao nhiêu, chỉ có những người “trong nghề” mới biết. Song, có người đã “vạch mặt” được nhân viên của một vài cây xăng gian lận như sau: một khách hàng đổ lượng xăng tương ứng với 20 ngàn đồng xong, tiếp tục có một khách hàng đổ 100 ngàn đồng thì nhân viên sẽ kéo luôn dây và bấm cò cho xăng chạy tiếp tới 100 ngàn đồng thì ngừng, chứ không phải là 120 ngàn đồng. Nếu bị phát hiện thì người bơm xăng sẽ xin lỗi khách, còn không thì coi như họ đã bỏ túi trót lọt 20 ngàn đồng của khách.

* Ứng phó bằng cách nào?

Anh Nguyễn Văn Thời, thường chạy xe ôm phía trước khu vực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, kể: “Tôi đã từng chứng kiến các nhân viên cây xăng ăn gian bằng cách bố trí hai người cùng đứng tại một trụ bơm. Một người đổ xăng lợi dụng khi khách hàng sơ ý thì rút vòi bơm ra và người kia liền nhấn nút trên trụ để số tiền trên bảng hiển thị quay ngay về số 0. Khi đó, khách hàng có muốn kiểm tra lượng xăng trong xe mình, cũng không biết làm cách nào để phản ứng lại. Do đó, rất nhiều người nghi ngờ xăng đổ thiếu nhưng đành bấm bụng im lặng cho xong chuyện. Bởi, có muốn làm rõ vấn đề thì không có cơ sở, còn tranh cãi thì mất thời gian nhưng chưa chắc… thắng kẻ đã có mưu đồ đen tối”.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 39 cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện và xử lý 17 đơn vị vi phạm về đo lường, chất lượng và không giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Tổng số tiền xử phạt, truy nộp ngân sách Nhà nước hơn 274 triệu đồng. Để từng bước chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chi cục Quản lý thị trường đang triển khai thực hiện phương án kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng trên toàn tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ mạnh tay hơn đối với các cơ sở vi phạm.

Theo anh Thời, để tránh bị đong thiếu xăng, tốt nhất người tiêu dùng nên đề phòng, bằng cách cứ nhìn chăm chăm vào bảng hiện các chỉ số, thì dù nhân viên có muốn “vẽ bùa” cũng sẽ ngại. Tương tự, bà Nguyễn Thị Lời, ngụ tại KP1, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa nêu: “Nhà nước nên quy định các cây xăng áp dụng cách in một phiếu bán hàng (dạng tích kê) gửi lại cho người mua giống như ở các siêu thị. Như vậy sẽ hạn chế tình trạng gian lận tại các cửa hàng xăng như lâu nay. Mặt khác, từ chỗ có phiếu mua hàng, người mua cũng có bằng chứng để yêu cầu bồi thường khi phát hiện cây xăng đó gian lận”.

Đề cập về thực trạng nhiều điểm bán xăng “có vấn đề”, ông Dương Minh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ - tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) nhấn mạnh: “Để hạn chế bị gian lận khi mua xăng dầu, người mua cần lưu ý yêu cầu người bán trả vòi bơm về số 0 trước khi thực hiện bấm cò. Nhưng tốt nhất nên đổ xăng theo thể tích lít, thay vì thói quen mua theo mệnh giá tiền (30, 40, 50 ngàn đồng) cho tiện. Vì thông thường, khi tiến hành kiểm định các cột bơm xăng, dầu, đơn vị kiểm định phải theo quy trình và kiểm định số lượng lít chẵn, như: 2 lít, 5 lít, 10 lít... đã được IC tự động điều chỉnh, lập trình đúng". Ông Dũng cũng cho biết, người tiêu dùng luôn có cảm nhận bị bán xăng thiếu, nhưng do tâm lý ngại khiếu nại nên dễ dàng bỏ qua. Chính vì vậy, những điểm bán xăng gian lận mới có cơ hội tồn tại. Để từng bước ngăn chặn hiệu quả hành vi gian dối tại các điểm bán xăng, ông Dũng cho rằng, khi phát hiện các cửa hàng xăng có dấu hiệu gian lận, người tiêu dùng cần báo ngay cho các đội quản lý thị trường để xử lý.

 Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều