Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao dịch từ những hợp đồng: Sẽ không còn cảnh bắt chẹt nhau!

10:05, 11/05/2012

Lâu nay, khi đăng ký mua hàng hoặc đăng ký sử dụng một dịch vụ nào đó, khách hàng thường phải ký hợp đồng (HĐ) do phía cung ứng soạn, in sẵn. Đương nhiên, HĐ lập sẵn này thường có lợi cho bên cung cấp hàng hóa…

Lâu nay, khi đăng ký mua hàng hoặc đăng ký sử dụng một dịch vụ nào đó, khách hàng thường phải ký hợp đồng (HĐ) do phía cung ứng soạn, in sẵn. Đương nhiên, HĐ lập sẵn này thường có lợi cho bên cung cấp hàng hóa…

Một trong những bất lợi đối với khách hàng khi buộc phải ký HĐ soạn sẵn này, nếu gặp sự cố phát sinh, đều phải chịu thiệt, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.  Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình trạng “nắm đằng cán” của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ sẽ bị cơ quan chức năng “thổi còi”, nếu quá trình thẩm định HĐ giao dịch giữa hai bên vi phạm các quy định của Nhà nước.

* Khi doanh nghiệp “nắm đằng cán”

Anh Đ.N.T., nhà ở KP1, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), trước đây đăng ký sử dụng dịch vụ internet của một công ty lớn. Do không hài lòng về chất lượng nên anh T. không dùng nữa. Song, điều đáng nói là anh T. bị đại lý cung ứng dịch vụ đòi hoàn lại quà khuyến mãi. Trước tình thế này, anh T. không thể làm ngơ, bởi phía cung ứng đưa ra HĐ hai bên đã ký trước đây, nội dung ghi rõ “... bên B (bên cung ứng) có quyền thu hồi thiết bị và truy thu 100% giá trị khuyến mãi bằng tiền mặt...”. Anh T. thổ lộ: “Khi họ đưa HĐ đến thì mình ký chứ không đọc kỹ. Hơn nữa, mấy gói cước toàn ghi bằng tiếng nước ngoài nên có đọc cũng không hiểu. Ai ngờ, quà tặng rồi mà còn đòi lại”.

Ảnh minh họa: Đan thùy
Ảnh minh họa: Đan thùy

Tương tự, ông Trần Thành, ngụ ở xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất) bức xúc: “Tôi biết rõ là khi ký giao kết mình sẽ bị “ép”, bất lợi về phía mình. Nhưng vẫn phải ký bởi đấy là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nên mình không có sự lựa chọn. Chẳng hạn, đối với HĐ điện thoại cố định, điện thoại di động trả sau thì doanh nghiệp có quyền ngừng cung cấp dịch vụ khi khách hàng chậm đóng tiền cước. Trong khi phía đối tác lại không thể ràng buộc về chất lượng cuộc gọi thường xuyên bị gián đoạn, hoặc không liên hệ được khi mạng quá tải, mất sóng...”.

Rõ ràng, khi người bán “nắm đằng cán” thì khách hàng thường phải lãnh đủ mọi bất trắc. Nhiều trường hợp khách hàng đọc rất kỹ những điều khoản ràng buộc trong HĐ, nhưng khi gặp trục trặc nảy sinh, phần thiệt vẫn thuộc về người mua, nhất là các HĐ cung cấp điện, nước, truyền hình cáp...Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách đường hàng không, đường sắt thì ít khi có HĐ mà khách hàng thường bị ràng buộc bởi những “điều lệ vận chuyển” do phía cung cấp đưa ra theo hướng... có lợi cho doanh nghiệp là chính! Bởi vậy mới có chuyện, khách đi vé hàng không ngồi chờ dài cổ, nhưng sau đó chuyến bay bị hủy.

* Hết đường... bắt chẹt khách?

Quyết định 02/2012/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 13-1-2012 về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (có hiệu lực từ 1-3-2012). Theo đó, quy định 9 loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, gồm: điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, điện thoại cố định, thuê bao di động trả sau, kết nối internet, cáp truyền hình, vận chuyển hành khách đường hàng không, vận chuyển hành khách đường sắt, mua - bán căn hộ chung cư và các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý chung cư cung cấp.

* Theo nhận định của một cán bộ Hội bảo vệ NTD, trong thời điểm hiện nay, khách hàng chỉ có thể là một “NTD thông thái” khi các cơ quan quản lý về chuyên môn và cơ quan bảo vệ NTD không làm tốt công tác quản lý, giám sát của mình. Do đó, Quyết định định 02/2012/QĐ-TTg sẽ tháo gỡ những tồn tại lâu nay NTD đã lỡ “bút sa” thì buộc phải... “gà chết”.

* Theo điều 11, Nghị định 19/2012/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD” thì các hành vi vi phạm về đăng ký HĐ theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sau đây sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng:

- Không đăng ký hoặc không đăng ký lại HĐ theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định.

- Không báo cáo cho NTD về việc thay đổi HĐ theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

 

Nói về những bất cập đối với những HĐ giao dịch thời gian qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương nhấn mạnh: “Tình trạng HĐ nếu chỉ nghiêng về phía cung cấp là xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng (NTD). Phía người bán thông qua HĐ mẫu để đưa ra những quy định hạn chế, loại bỏ quyền của NTD; hoặc buộc khách hàng phải gánh chịu những rủi ro bất hợp lý... thời gian qua diễn ra rất phổ biến. Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản nhằm bảo vệ quyền lợi NTD. Điều này được thực thi  dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, trên cơ sở phù hợp với pháp luật và nguyên tắc giao kết HĐ. Như vậy, mọi giao dịch về hàng hóa thiết yếu đều phải thực hiện HĐ theo mẫu, với những điều kiện giao dịch chung”. Theo bà Lệ, hiện Sở Công thương đang xây dựng thủ tục tiếp nhận, giải quyết việc đăng ký HĐ theo mẫu và điều kiện giao dịch chung, để thời gian tới có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Phải nói rằng, NTD đến nay có thể an tâm là sẽ không bị người bán “bắt chẹt” khi ký các HĐ thuộc nhóm danh sách nêu trên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều giao dịch mà NTD rất dễ bị thiệt khi ký giao kết, như: HĐ bảo hiểm, mua bất động sản... Bên cạnh đó, một số loại hàng hóa mà hướng dẫn trên bao bì của người sản xuất được hiểu ngầm là HĐ soạn sẵn.  Đơn cử như, đối với mặt hàng gạch lót nền, nhà sản xuất có ghi khuyến cáo trên bao bì: “Người sử dụng xem xét kỹ và quyết định lựa chọn. Khi đã sử dụng sản phẩm, sẽ không được đổi hoặc bồi thường”.  Đây được xem là một HĐ hết sức vô lý. Trong khi người mua, nếu nhận diện kỹ bằng mắt thì chỉ thấy được những lỗi về chất lượng, hình thức: màu sắc, độ cong, bóng... Sau khi mua về sử dụng, mới có thể phát hiện gạch bị thấm nước, nhưng nếu khiếu nại thì nhà sản xuất không giải quyết, vì hàng đã... qua sử dụng. 

Kim Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều