479 cơ sở kinh doanh sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ phải di dời ra khỏi khu vực đô thị từ nay đến năm 2014. Đây là những cơ sở thời gian qua hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh…
479 cơ sở kinh doanh sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ phải di dời ra khỏi khu vực đô thị từ nay đến năm 2014. Đây là những cơ sở thời gian qua hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh…
Lâu nay, trên địa bàn tỉnh có một số ngành nghề phát triển ngày càng đa dạng và phân bố một cách tự phát, rải rác, đan xen trong các khu dân cư, như: gốm mỹ nghệ, chăn nuôi, giết mổ, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, những cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường.
* “Xóm thốI” sẽ… không còn thối?
Nằm trong danh sách phải di dời trước ngày 31-12-2012 với hai lý do: không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Nhà máy giấy Tân Mai, có trụ sở tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Hoạt động của nhà máy này lâu nay là một trong những điểm nóng về xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, bị người dân nhiều lần phản ứng.
Ngành gốm sẽ được di dời trong nay mai. |
Nhiều năm qua, không ít thời điểm trong ngày, dân cư ngụ hai bên đường Võ Thị Sáu nối dài đã phải khốn khổ vì mùi thối xông lên nồng nặc. Nhất là khoảng thời gian từ trưa đến chiều, mùi hôi từ Nhà máy giấy Tân Mai tỏa ra khiến cả khu vực trở thành “xóm thối”. Không chỉ có cư dân tại chỗ mới lãnh đủ hậu quả này, mà ngay cả người đi đường khi ngang qua đây cũng phải bịt mũi, nín thở và phóng như bay để chạy thoát cái mùi hết sức khó tả này. Đáng kể là một vài hàng quán nằm ngay trước mặt nhà máy, đều không thể kinh doanh được. Đã có điểm đổi chủ 4-5 lần, với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng, cuối cùng ai nấy phải chạy tháo thân vì… ế. Cụ thể, ban đầu là quán thịt chó, “gồng mình” chịu đựng được thời gian, chủ quán phải sang lại cho người khác để mở quán nhậu. Cửa hàng này cũng chỉ trụ được chừng nửa năm trời, sau đó cũng tìm cách chuồn mất, “bàn giao” lại cho người “nhẹ dạ” đến sau tiếp tục bỏ vốn ra rồi hàng ngày ngồi… ngó. Cuối cùng là quán cà phê, mới đây tiến hành khai trương được vài ngày cũng dẹp nốt.
Ngày 28-3-2012, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đã ký Quyết định số 891/QĐ-UBND quy định 479 cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh phải di dời khỏi đô thị, bao gồm: 37 doanh nghiệp (DN) sản xuất gốm mỹ nghệ; 314 điểm chăn nuôi, giết mổ; 24 DN sản xuất - kinh doanh, dịch vụ có báo cáo đánh giá tác động môi trường và 104 đơn vị sản xuất - kinh doanh, dịch vụ quy mô khác... Trước đó, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 19-3-2012, quy định chính sách hỗ trợ di dời, bảo tồn và phát triển các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa. Theo đó, khi di dời đến cụm gốm Tân Hạnh, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa), 37 cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ sẽ được hỗ trợ chi phí hạ tầng bằng 60% tổng mức vốn đầu tư dự án hạ tầng; còn lại 40% do các cơ sở sản xuất gốm đóng góp trong vòng 5 năm kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động tại địa điểm mới. |
Nói về việc di dời của Nhà máy giấy Tân Mai, một chủ quán trong thời kỳ kinh doanh tại điểm ế ẩm này tâm sự: “Thú thực, mỗi ngày khi mở cửa quán, tôi đều phải lầm rầm cầu sao cho mùi thối nhẹ nhẹ bớt. Chúng tôi ở đây thì hàng ngày buộc phải chịu đựng mùi thối, nhưng khách ở nơi khác đến, chưa thưởng thức vị ngon của món ăn đã hít ngay phải mùi hãi hùng muốn ói này, thì họ “một đi không trở lại” là phải”.
* Không thể không di dời…
Tương tự, tại những khu vực sản xuất gốm, việc đốt lò nung cũng đã làm ảnh hưởng không ít đến đời sống dân cư. Chị M., có gia đình sống gần một cơ sở sản xuất gốm ở KP4, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa), than: “Doanh nghiệp sản xuất gốm này thường xuyên đốt lò bằng than củi nên gây bụi và khói nồng nặc. Khói than đen nghịt bám vào quần áo và các vật dụng trong nhà, mùi rất khó chịu. Nhất là trẻ em trong xóm, mặt mũi liên tục lấm lem và ho khan, cơ bản do các cháu hít phải bụi than. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước sớm di chuyển các cơ cơ sở này đi chỗ khác để trả lại môi trường trong lành cho mọi người, nhưng bây giờ mới được giải quyết”…
Rõ ràng, UBND tỉnh quyết định di dời toàn bộ số cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh của mỗi ngành nghề. Nói như ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội gốm Đồng Nai, việc dời các cơ sở sản xuất liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh vào khu tập trung là điều mà các cơ sở lâu nay mong muốn. Riêng về gốm sứ, đây là nguyện vọng của những người yêu nghề gốm ở Đồng Nai, lâu nay muốn xây dựng một cụm ngành nghề để tập trung phát triển, cả về thương mại và du lịch. Từ đó mới có thể thu hút du khách trong và ngoài ngước đến tham quan, giao dịch.
Ngọc Liên