Báo Đồng Nai điện tử
En

Đá mồ côi: Khoáng sản đang bỏ ngỏ

10:05, 27/05/2012

Tại những huyện miền núi trong tỉnh, lâu nay người dân tận dụng khai thác,  sử dụng và kinh doanh đá mồ côi (ĐMC) khá phổ biến.

Tại những huyện miền núi trong tỉnh, lâu nay người dân tận dụng khai thác,  sử dụng và kinh doanh đá mồ côi (ĐMC) khá phổ biến.

Đối với những địa bàn như: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu - khu vực mà hàng triệu năm trước có núi lửa hoạt động thì ĐMC là nguồn khoáng sản dồi dào mà thiên nhiên đã ban tặng. Giải thích về loại ĐMC, một lão nông ở Vĩnh Cửu cho rằng, người dân Nam Trung bộ gọi những tảng đá lớn,nhỏ nằm xen lẫn với đất đá vụn trên sườn đồi, hoặc trong nương rẫy là ĐMC, bởi chúng tách biệt hẳn với các tầng đá khác, biệt lập và có vẻ “cô đơn”.

* Đi đâu cũng gặp đá

Thời gian gần đây, dọc đường tỉnh (ĐT) 767 thuộc địa bàn hai huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, có khá nhiều hàng rào nhà làm bằng ĐMC. Đúng hơn, đó là những bức tường dài được kè cao bằng đá to, nhỏ xếp chồng lên nhau ngay hàng thẳng lối. Tương tự, ở khu vực có nhiều ĐMC thuộc hai huyện: Tân Phú, Định Quán, nông dân còn chất ĐMC như “vạn lý trường thành” khá kiên cố và đẹp mắt. Để làm những bức tường thành này, gia chủ chỉ phải mất công tìm kiếm đá rồi chất chồng lên nhau, nhưng vững chắc hơn nhiều so với hàng rào bằng kẽm gai hoặc tre nứa.

Một điểm bán đá chẻ ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu.                                                                                            Ảnh: M. ĐĂNG
Một điểm bán đá chẻ ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: M. ĐĂNG

Đặc thù của các địa phương có ĐMC là chúng ở khắp nơi nên ngày trước, trong quá trình canh tác, nông dân luôn phải dồn lại thành đống. Tuy nhiên về sau, do số lượng đá quá nhiều nên người dân đã tận dụng làm bờ kè vườn nhà, hoặc dùng trong xây dựng. Ông Lê Văn, 51 tuổi, ngụ ở KP7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu đang xây nhà, chỉ vào đống ĐMC, nói: “Số đá này tui gom trong vườn nhà mấy năm rồi. Bữa nay cần nên kêu người tới chẻ ra làm vật liệu xây móng nhà. Thói quen của dân mình là xây nhà bằng gạch nung. Nhưng đá chẻ chắc hơn nhiều so với gạch. Vì vậy, với lượng ĐMC ước chừng 10m3 thu gom được, chỉ mất tiền công thuê thợ chẻ thành đá khoảng 200 ngàn đồng, tôi vẫn xây được móng nhà kiên cố”. Theo ông Văn, phần lớn người dân ở đây đều sử dụng đá này để làm các công trình xây dựng của nhà mình. Bởi vì, ở đâu cũng gặp đá này nên chỉ cần ra sức tận thu thì cũng đủ dùng, nếu là công trình lớn thì thuê xe vào rẫy bốc về dư sức dùng, khỏi phải mua.

* Vô tư khai thác

Càng đi sâu vào những khu vực xa khu dân cư chừng 500m thì ĐMC nằm xếp lớp ở khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Dần, 62 tuổi, ngụ ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cho biết, thời gian sau này, ĐMC dọc ĐT 767 bị lấy gần hết, nên những người cần đá đang dần tiến sâu vào trong rẫy. Không ít lần, có người còn mang xe lớn tới chở với số lượng lớn.

Một điểm đang chẻ đá, gần đường tỉnh 767.
Một điểm đang chẻ đá, gần đường tỉnh 767.

Nói về chất lượng của ĐMC, người dân ở khu vực Trảng Bom, Vĩnh Cửu đều khẳng định không thua gì những loại đá mà trên thị trường đang bán. Thời gian gần đây, người dân chuộng ĐMC để làm nhà, vườn ao nên đã hình thành nghề chẻ đá. Trên địa bàn, hiện cũng có vài tổ chức thuê người hàng ngày chẻ đá ở những khu vực ĐMC tập trung nhiều, rồi mang đi nơi khác tiêu thụ. Một số đại lý vật liệu xây dựng ở huyện Vĩnh Cửu cũng tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có này để kinh doanh. Thông thường, nông dân vào mùa nông nhàn thường lên rẫy chọn những cục đá từ 1 - 10 m3 để chẻ, sau đó bán lại cho đại lý, mỗi viên đá chẻ được mua tại chỗ với giá 2 ngàn đồng, về cửa hàng thì giá tăng lên gần 3 ngàn đồng, nhưng vẫn rẻ hơn khoảng 500 đồng so với các nơi khác.

Theo Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 21-5-2010 của UBND tỉnh, về trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Đồng Nai được quy định như sau:

UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc theo dõi thực hiện quy hoạch và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác tại địa phương; kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp tại địa phương; thông báo kịp thời cho Phòng Tài nguyên - môi trường và UBND cấp huyện, cũng như Sở Tài nguyên - môi trường để phối hợp xử lý dứt điểm các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp. Xã, phường, thị trấn nào còn để hoạt động khai thác bất hợp pháp trên địa bàn thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Tại một khu đất rẫy cách ĐT 767 không xa, chúng tôi gặp một nhóm 3 người đang hì hục chẻ tảng đá chừng 10 m3. Trong buổi sáng, nhóm người này đã chẻ được hơn 100 viên đá. Tính ra mỗi ngày, một người kiếm được từ 200 - 250 ngàn đồng. Một người đàn ông với dáng chắc khỏe, thổ lộ: “Chỗ nào có ĐMC to thì tụi tôi đến xúm lại chẻ. Chẻ khoảng 3 ngày, thì kêu đại lý mang xe tải tới chở về. Thời điểm này, thu nhập của những người thợ chẻ đá tương đối ổn định”. Nói về việc kinh doanh đá chẻ, ông Sanh - chủ một đại lý vật liệu xây dựng tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu nói: “Người dân tới mua đá thì tôi hay khuyên họ nên mua loại chẻ từ ĐMC, vì loại này chất lượng tốt, giá lại rẻ. Do đó, những năm gần đây, ở nhiều điểm ĐMC có sẵn thì tình hình khai thác đá chẻ rộ lên”.

Ông Võ Hồng Vinh, Phó trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên - môi trường khẳng định: “UBND tỉnh đã giao cho các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ những loại khoáng sản chưa khai thác và những nguồn khoáng sản nhỏ lẻ. Trong trường hợp, người dân sử dụng đá mồ côi để phục vụ cho các công trình của cá nhân thì không phải xin phép các cơ quan chức năng, nhưng nếu khai thác để đem bán, kinh doanh phải xin phép, nộp thuế và phí bảo vệ môi trường”.

 

 

 

 

 

 Minh Đăng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều