Báo Đồng Nai điện tử
En

Chở trẻ trên xe máy thiếu phương tiện bảo hộ: Hiểm nguy khó lường!

09:05, 06/05/2012

Thường ngày trên nhiều tuyến đường, hình ảnh xe gắn máy chở một, hai, thậm chí ba đứa trẻ phía trước hoặc sau người cầm lái đã không còn cá biệt. Đáng kể là tình trạng người lớn đưa rước con em nhưng không trang bị phương tiện bảo hộ, vô tình đặt những đứa trẻ vào tình huống nguy hiểm khó lường...

Thường ngày trên nhiều tuyến đường, hình ảnh xe gắn máy chở một, hai, thậm chí ba đứa trẻ phía trước hoặc sau người cầm lái đã không còn cá biệt. Đáng kể là tình trạng người lớn đưa rước con em nhưng không trang bị phương tiện bảo hộ, vô tình đặt những đứa trẻ vào tình huống nguy hiểm khó lường...

Chở con em trên xe gắn máy nhưng không trang bị phương tiện bảo hộ, sẽ gây  nguy hiểm cho trẻ.                                                                                                                                        ảnh: K.Liễu
Chở con em trên xe gắn máy nhưng không trang bị phương tiện bảo hộ, sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. ảnh: K.Liễu

Đây là thực trạng rất đáng báo động. Bởi chính sự chủ quan của người lớn nên thời gian qua đã có không ít trẻ bị tai nạn giao thông thương tâm, thậm chí mất mạng.

*Hời hợt, chủ quan…

Chiều một ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhiều phụ huynh đến đón con tại Trường mầm non bán công Hướng Dương (TP.Biên Hòa) đã bị một phen thót tim khi chứng kiến một người đi xe Dream chở 2 cháu nhỏ, một phía trước, một phía sau nhưng đều không đội mũ bảo hiểm và không thắt dây đai an toàn. Có lẽ do người điều khiển chạy nhanh nên khi xe vừa vào đến cổng trường thì đụng vào chiếc xe bán bánh tráng. Ngay lập tức, đứa trẻ ngồi phía trước té đập đầu xuống đất khóc thét. May mắn là khi ấy có nhiều người nên cháu bé nhanh chóng được cứu giúp.

* Theo các chuyên gia, nếu cho trẻ em ngồi phía trước người điều khiển xe gắn máy, phụ huynh nên chọn ghế có đai thắt an toàn và phần chân bắt dính được với xe. Khi trẻ ở phía sau có người giữ, nhất thiết không để chân hoặc đầu trẻ thò ra ngoài, rất dễ bị va quẹt. Nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm vừa với kích cỡ đầu, dứt khoát không để cháu nhỏ đứng trên xe...

* nhận định về tình hình trẻ em nhập viện vì tai nạn giao thông, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Trung bình mỗi ngày, phòng cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận từ 3-5 ca trẻ bị tai nạn giao thông. Vào những ngày nghỉ, hoặc lễ có thời điểm lên tới 20 ca. Thông thường trẻ nhỏ bị tai nạn, phần lớn dẫn đến đa chấn thương, nhất là ở độ tuổi mầm non thì chấn thương đầu và chấn thương sọ não chiếm tỷ lệ cao. Đối với những ca tổn thương sọ não nặng, chúng tôi thường chuyển lên tuyến trên nên không có con số cụ thể về thương vong. Nhưng rõ ràng, đây là tổn thương rất nguy hiểm, bởi nó để lại nhiều di chứng khó lường”.

 

Thực tế lâu nay, nhiều tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ em, bắt nguồn từ sự lơ là của người lớn. Điển hình là vụ xảy ra trên đường 30-4, TP.Biên Hòa, đoạn gần trường THPT Ngô Quyền cách đây chưa lâu, dẫn đến cái chết thương tâm cho một cháu trai. Hay vụ xe gắn máy từ hướng cầu Đồng Nai chở bé trai 3 tuổi ngồi trên chiếc ghế phía trước, khi đến đoạn Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, do giật mình bởi tiếng còi hơi xe tải nên người mẹ thắng gấp, em bé bị rớt xuống đường, ngay lúc chiếc xe tải chạy tới cán chết tại chỗ. Vào mùa mưa năm ngoái, người dân ở khu vực cầu Săn Máu không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh đứa trẻ 2 tuổi bị nước cuốn trôi. Trước đó, được mẹ chở qua đường bằng xe gắn máy, tới chỗ dòng nước chảy xiết, làm xe lật khiến em bé bị nước cuốn xuống suối. Mới đây nhất, tại đoạn đường qua xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), một bé trai 3 tuổi bị té nhào khỏi xe khi ngồi phía sau xe máy do bố chở. May là lúc đó đường vắng, nên cháu bé chỉ bị thương tích.

Ông Nguyễn Bảy, nhà ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa hành nghề chạy xe ôm tại khu vực này kể: “Tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng mà nạn nhân là những cháu nhỏ. Nguyên nhân theo tôi là do cha mẹ quá hời hợt, chủ quan khi đèo theo con nhỏ trên xe máy. Đã vài lần tôi thấy phụ huynh chở con chỉ chừng mấy tháng tuổi nhưng để nằm ngang trên chân người ngồi phía sau, vì đầu đứa trẻ thò ra ngoài nên bị xe khác va quẹt vào, gây thương tích nặng. Còn có hình ảnh đứa bé ngồi phía sau, bất ngờ thả hai tay liền bị rơi xuống đường. Mỗi lần thấy người lớn xem thường sinh mạng của con em mình trên xe, tôi thường đuổi theo nhắc nhở, đôi lúc chỉ nhận được nụ cười vô tư của cha mẹ đứa bé”.

 

* Chở trẻ sao cho an toàn?

Tương tự như ông Nguyễn Bảy, ông Trần Quang Đạt, ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất bức xúc: “Thấy họ chở con mà mình lo nơm nớp, nên không thể làm ngơ. Nhiều người được tôi nhắc thì khắc phục liền, nhưng cũng có trường hợp còn quay sang cự cãi vì cho rằng, đó là chuyện riêng. Không ít người trả lời tỉnh queo: “Hàng ngày tôi đều chở như vậy, vẫn an toàn”; thậm chí có người tuyên bố: “Lo gì, nó ngồi như vậy quen rồi(?!)”. Nói về cách bảo vệ con mình, chị Phạm Thị Tuyết Lan, ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất thổ lộ: “Khi chở con nhỏ, tôi đặt chiếc ghế ở đoạn trống giữa yên xe với tay lái, phía trước lót gối mềm để tránh cho cháu khỏi bị đập đầu. Tuy nhiên, chỉ khi nào về đến nhà tôi mới thấy an tâm, vì quá trình lưu thông trên đường, tôi luôn bị áp lực trước lượng xe qua lại dày đặc. Trong khi đó, tôi thường xuyên thấy nhiều người chở con em đầu trần bằng xe mô tô, song vẫn phóng rất nhanh. Đáng sợ thật!”.

Đề cập về vấn đề an toàn của trẻ em khi tham gia giao thông, theo ông Nguyễn Bôn, Phó chánh văn phòng Ban an toàn giao thông  tỉnh, tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của phụ huynh. Ông Bôn cho rằng, trước tiên phụ huynh phải chấp hành nghiêm luật giao thông, nhất là khi đưa, đón con em. Vì thế nên hạn chế chở trẻ bằng phương tiện xe gắn máy 2 bánh. Khi chở trẻ bằng xe gắn máy thì phải trang bị mũ bảo hiểm, dây đai an toàn cho các cháu. Nếu buộc phải đưa trẻ đi đường xa, tốt nhất nên đi bằng ô tô hoặc các phương tiện công cộng như xe buýt, sẽ an toàn hơn. Ông Bôn nhấn mạnh: “Trẻ nhỏ thường hiếu động, và rất dễ ngủ gục. Chính vì vậy, không nên để trẻ ngồi một mình ở phía sau người điều khiển xe, vì tay trẻ em nhỏ, yếu nên khó có thể giữ thăng bằng, chỉ cần xe khác vướng vào thì rất có thể tai họa sẽ xảy ra”.

Kim Liễu  

 

 

Tin xem nhiều