Sau hơn hai năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm hút thuốc lá (HTL) nơi công cộng (từ ngày 1-1-2010), đến nay việc vi phạm xem ra còn khá phổ biến.
Sau hơn hai năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm hút thuốc lá (HTL) nơi công cộng (từ ngày 1-1-2010), đến nay việc vi phạm xem ra còn khá phổ biến.
Có mặt tại những điểm công cộng, nơi mà theo quy định sẽ bị phạt nếu HTL, như: bệnh viện, phòng đợi nhà ga, bến xe, phương tiện giao thông..., chúng tôi ghi nhận, hầu hết người HTL không chấp hành, kể cả ở chỗ có bảng cấm.
* Hút thuốc ở mọi nơi
Khi được hỏi thì nhiều người thừa nhận, có biết Nhà nước quy định cấm HTL ở nơi công cộng, nhưng họ vẫn thản nhiên tuyên bố: “Người khác hút được thì mình làm theo”; hoặc “có ai phạt đâu mà lo”.
Dù đã có quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng tình hình vi phạm còn phổ biến. |
Tại Văn phòng đăng ký đất đai TP.Biên Hòa, nơi có đông người ngồi chờ để làm thủ tục giấy tờ, song nhiều người vẫn ung dung cầm điếu thuốc phì phà. Chỉ vào bảng “Cấm HTL” đặt tại góc phòng chờ kết quả hồ sơ, tôi hỏi người đàn ông trung niên đang hút thuốc ngồi kế cận, nhưng chỉ nhận được câu trả lời tỉnh queo:“Tôi nghiện thuốc đã hơn 30 năm, giờ không bỏ được. Nhưng nếu tới cơn mà bỏ ra ngoài hút thuốc, dễ mất chỗ ngồi lắm, phải vi phạm thôi. Đấy, trong này nhiều người cũng hút thuốc như tôi, nhưng chẳng thấy ai bị phạt”. Chỉ đến khi vài người lên tiếng phản đối, một nhân viên tại đây đến nhắc nhở thì anh này mới chịu bước ra ngoài để... tiếp tục HTL.
Đảng ủy xã Tây Hòa nói không với thuốc lá Ông Đặng Đình Bừng, Bí thư Đảng ủy xã Tây Hòa huyện Trảng Bom cho biết, quyết định “cấm hút thuốc lá” nơi công cộng được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy, thực hiện từ năm 2010 đến nay. Để việc vận động cán bộ, công chức, viên chức của xã không hút thuốc ở nơi làm việc đạt hiệu quả, thì đảng viên phải là những người đi tiên phong. Nhận thức được điều này nên lãnh đạo xã quyết tâm không hút thuốc lá, đồng thời phân công tổ công vụ của xã ngoài kiểm tra giờ giấc làm việc, còn kiêm luôn theo dõi quá trình thực hiện không hút thuốc lá nơi công cộng. Cuối năm, Đảng ủy căn cứ vào yếu tố này để xem xét, xếp loại bình bầu đối với đảng viên, trường hợp nào vi phạm sẽ bị hạ mức thi đua xuống một bậc. Chính nhờ sự kiên quyết của lãnh đạo xã trong việc xây dựng môi trường làm việc không có khói thuốc, nên tỷ lệ người nghiện thuốc lá tại cơ quan đã giảm từ 40% xuống còn 10%. |
Cách đây mấy hôm, trên xe buýt số 16 tuyến Biên Hòa - Phương Lâm, trong khi chờ xuất bến, mặc dù đã có khá nhiều khách nhưng cả tài xế và phụ xe đốt thuốc liên tục. Một phụ nữ có lẽ không chịu nổi khói thuốc bèn lên tiếng nhắc, liền nhận được câu trả lời hết sức ngụy biện: “Mấy vị thông cảm cho, đường xa nên hút thuốc cho bớt căng thẳng, lái xe sẽ an toàn hơn”(?!). Tương tự, dọc theo hành lang Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nơi phía trước sảnh chờ của phòng mổ, hễ thấy vắng bóng bảo vệ là có người lại lấy thuốc ra hút, bất chấp xung quanh đặt bảng cấm.
* Khó xử phạt
Theo thống kê của Văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến nay, cả nước chỉ có tỉnh Lào Cai tiến hành xử phạt được 10 người vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng với mức phạt tổng cộng 1,5 triệu đồng. Riêng ở Đồng Nai, chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Một trong những áp phích tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm đối với người hút thuốc lá. |
Thực tế hiện nay, việc thực hiện cấm HTL nơi công cộng trên địa bàn tỉnh dường như chỉ dừng ở việc nhắc nhở dưới hai hình thức chủ yếu: treo bảng “Cấm HTL” ở những nơi tập trung đông người và lực lượng bảo vệ tại những nơi công cộng được giao nhiệm vụ ngăn chặn người HTL. Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ thanh tra Sở Y tế cho biết: “Theo quy định thì thanh tra ngành y tế, UBND các cấp ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra muốn thực hiện việc kiểm tra này thì phải có quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Hơn nữa, từ khi Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực đến nay, các địa phương phải triển khai kiểm tra xử phạt như thế nào, chúng tôi chưa thấy có thông tư hướng dẫn”.
* Ngày 24-5, dự lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và phát động Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25 đến 31-5), Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát đi thông điệp: “Hãy vì một thế hệ thanh niên Việt Nam không hút thuốc lá”. Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và người dân tích cực tham gia những hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và ủng hộ việc Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. * Trong khi đó, báo cáo về tình hình hút thuốc lá ở trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng mức rủi ro về bệnh tật và chết do thuốc lá khá cao, với khoảng 40 ngàn ca/năm. Trong đó, hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, ngoài ra còn có thể mắc các bệnh: ung thư vòm, ung thư dạ dày, ung thư bàng quang... Người không hút thuốc lá nhưng bị ảnh hưởng từ người khác thì hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh như người hút thuốc trực tiếp. Đặc biệt, thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo. Qua đó, mỗi năm xã hội phải chi trên 1 tỷ USD cho thuốc lá, chưa kể những chi phí gián tiếp khoảng 2 ngàn tỷ đồng/năm cho khám, chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Việt Nam là 1/15 nước có số nam giới hút thuốc cao nhất thế giới (47,4%). Bên cạnh đó, hàng chục triệu người Việt Nam không hút thuốc lá nhưng thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà và nơi làm việc. |
Đề cập về hướng xử lý người HTL nơi công cộng, ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) thẳng thắn nói: “UBND phường chưa được sự chỉ đạo về việc thực hiện quyết định trên. Biên bản xử phạt như thế nào, những người ở địa phương khác vi phạm thì phường sẽ ràng buộc việc nộp phạt ra sao. Bởi, đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác, như giao thông thì sẽ bị thu giữ phương tiện vi phạm... Còn nếu hút thuốc, chẳng lẽ giữ gói thuốc? Trường hợp áp dụng phạt tại chỗ thì cần phải có hướng dẫn chi tiết, số tiền xử phạt thu như thế nào, ai thu, phải quy định rõ ràng thì chúng tôi mới có cơ sở để thực hiện”.
Theo những đơn vị được phân công trách nhiệm xử phạt thì quy định về cấm HTL nơi công cộng rất khó thực thi, bởi nội dung chưa cụ thể. Điểm mấu chốt quan trọng ở đây là phải quy định trách nhiệm đối với lực lượng giám sát và xử phạt. Họ phải là những người thường xuyên có mặt tại những nơi cấm HTL thì mới mong xử lý hiệu quả. Thiết nghĩ, đây là chủ trương hết sức thiết thực và sát với đời sống. Thế nhưng, tại sao một quyết định của Nhà nước đã có hiệu lực từ lâu, nhưng lại chỉ tồn tại trên giấy?
Kim Liễu