Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, tình hình mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Ở TP.Biên Hòa, ngoài việc đối phó với những bất thường của thời tiết thì vấn đề ngập lụt là điều mà người dân quan tâm và lo ngại nhất...
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, tình hình mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Ở TP.Biên Hòa, ngoài việc đối phó với những bất thường của thời tiết thì vấn đề ngập lụt là điều mà người dân quan tâm và lo ngại nhất...
Để từng bước khắc phục tình trạng đường phố bị ngập cục bộ sau những cơn mưa lớn, các ngành chức năng đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Thế nhưng, việc triển khai chậm hơn so với dự kiến, vì thế mùa mưa này Biên Hòa khó tránh khỏi ngập lụt.
* Ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân
Trong những năm gần đây, thường sau mỗi cơn mưa lớn là nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa bị chìm trong nước. Tình trạng này làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, đi lại của người dân và gây ách tắc giao thông.
Mùa mưa năm 2011, sau mỗi cơn mưa lớn, nhiều khu vực ở Biên Hòa bị ngập nặng. (Trong ảnh: đường 30-4 ngập nước). ảnh: H.GIANG |
Ngã năm Biên Hùng là một trong những điểm ngập tiêu biểu, cao điểm có mức nước ngập sâu đến 60cm. Tại khu vực này, chỉ cần mưa kéo dài là nước từ các nơi dồn về, biến đường trở thành ao, hồ, xe máy đi qua nửa chừng thì hầu hết phải dẫn bộ. Hay như các khu vực: vòng xoay Tân Phong, đoạn rẽ vào phường Trảng Dài; đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần Bệnh viện tâm thần Trung ương 2; ngã tư Phạm Văn Thuận – Võ Thị Sáu... đều là những điểm thấp trũng nên khi mưa kéo dài, những nơi này ngập nước khiến việc lưu thông trở nên khó khăn, giao thông ách tắc, xáo trộn bởi hàng loạt xe hai bánh bị tắt máy.
Nhớ lại một buổi chiều của mùa mưa trước, từ huyện Thống Nhất về nhà ở phường Trung Dũng, anh Nguyễn Văn Tấn không khỏi ngán ngẩm, kể: “Hôm đó trời mưa to, tôi cho xe rẽ vào đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hố Nai. Tới đoạn gần suối Săn Máu, thấy mặt đường nước chảy xiết như giữa lòng suối, tôi không dám đi qua, liền quay đầu xe chạy ngược ra quốc lộ 1 để vào ngã ba Tam Hiệp. Nhưng khi đến ngã tư Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu lại bị nước “bủa vây” không ai qua được. Mọi người trên đường phải chờ gần 3 giờ đồng hồ đợi nước rút hẳn, mới đi tiếp”.
Chị Nguyễn Thị Linh, ở tổ 34, KP3, phường Tân Phong thì bức xúc nói: “Cứ vào mùa mưa là cả nhà tôi phải lo đối phó với ngập lụt hàng chục lần. Mực nước có khi cao gần nửa mét, khiến mọi người từ lớn đến bé tập trung lại tát nước, dọn dẹp rất cực. Đáng kể là nước mưa cộng nước thải từ cống, rãnh kéo theo rác thải, thậm chí cả chuột chết tràn vào nhà, không thể chịu nổi...”.
* Bao giờ hết ngập?
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt ở TP.Biên Hòa, các cơ quan chức năng cho rằng, do hệ thống thoát nước trong nội ô thành phố cũ kỹ, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, kết cấu công trình lại sử dụng chung cho cả thoát nước mưa lẫn với thoát nước thải. Mặc dù hệ thống này thường xuyên được nạo vét nhưng việc thoát nước vẫn quá tải.
Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.Biên Hòa, được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008. Thế nhưng, tới thời điểm này chỉ mới thực hiện việc bồi thường và giải phóng mặt bằng để tiến tới xây dựng trạm xử lý nước thải số 1 (phường Thống Nhất), số 2 (phường Tam Hiệp) và các tuyến suối liên quan. Theo kế hoạch, mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý nước thải sẽ giao cho chủ đầu tư vào tháng 7-2012; mặt bằng trạm số 1 vào tháng 1-2013. |
Theo ông Mai Phong Phú, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng), dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.Biên Hòa giai đoạn I, từ vốn vay của Nhật Bản, đang được triển khai. Theo đó, sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 52 ngàn m3/ngày, gồm có 6 trạm bơm, 130 km ống thoát nước thải, 240 km ống thoát nước mưa và 20 km mương được nâng cấp... Khi dự án được xây dựng xong, toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.Biên Hòa sẽ được hoàn chỉnh. Trong đó, tất cả nước sinh hoạt từ các hộ gia đình sẽ đấu nối trực tiếp vào hệ thống chung. Từ đây, nước thải được tập trung về trạm xử lý, trước khi đổ ra sông, suối.
Ông Phú cho biết, thời gian trung bình của một dự án sử dụng nguồn vốn ODA từ khi triển khai đến thực hiện hoàn tất, thường mất khoảng 15 năm. Trước mắt, để xử lý tạm thời tình trạng ngập lụt ở Biên Hòa, Ban Quản lý dự án tỉnh đang triển khai lập một số tiểu dự án nhằm khắc phục, hạn chế ngập lụt.
Như vậy, “điệp khúc” cứ mưa lớn là Biên Hòa bị ngập, chắc chắn sẽ còn tái diễn trong mùa mưa sắp tới...
K.Liễu