Báo Đồng Nai điện tử
En

TP. Biên Hòa: Vì đâu vỉa hè nham nhở?

09:04, 16/04/2012

Lâu nay tại TP.Biên Hòa, tình trạng người dân hai bên đường tự ý đục đẽo vỉa hè, hoặc cơi nới, đắp xi măng dưới lòng đường tạo phần dẫn để dễ dàng chạy xe vào nhà, đã trở nên phổ biến. Hiện tại, rất nhiều đoạn đường bị phá theo kiểu này đã làm mỹ quan đô thị trở nên nhếch nhác…

Nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa bị đục, đắp, cơi nới rất nham nhở. Trong ảnh: Một đoạn vỉa hè trên đường Đồng Khởi bị phá hỏng.
Nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa bị đục, đắp, cơi nới rất nham nhở. Trong ảnh: Một đoạn vỉa hè trên đường Đồng Khởi bị phá hỏng.

Lâu nay tại TP.Biên Hòa, tình trạng người dân hai bên đường tự ý đục đẽo vỉa hè, hoặc cơi nới, đắp xi măng dưới lòng đường tạo phần dẫn để dễ dàng chạy xe vào nhà, đã trở nên phổ biến. Hiện tại, rất nhiều đoạn đường bị phá theo kiểu này đã làm mỹ quan đô thị trở nên nhếch nhác…

Tại một số vỉa hè bị đục, đắp, cư dân ở đây cho rằng, do thiết kế của vỉa hè khá cao so với mặt đường nên việc chạy xe hai bánh của người điều khiển phương tiện gặp nhiều khó khăn. Vì thế, đã có không ít trường hợp té ngã do chạy xe từ dưới đường đi lên vỉa hè bị trượt bánh xe.

* Thi nhau đắp, đục vỉa hè

Trước thực trạng gờ của vỉa hè được xây dựng ít có độ thoai thoải, hơi khó quẹo xe từ đường vào nhà khiến nhiều người phải xuống xe dắt bộ. Để tạo đường dẫn dễ đi hơn, nhiều hộ dân có nhà ở mặt tiền đã có “sáng kiến” gọt bới một phần gờ vỉa hè, hay lấy xi măng xây thành lối dẫn. Người này làm được, người khác học theo, lâu dần vỉa hè bị vá chằng vá đụp rất nham nhở.

Chỉ dài khoảng 2km, nhưng đoạn từ ngã tư Tân Phong đến cầu Săn Máu (đường Nguyễn Ái Quốc), chúng tôi đếm được gần 300 điểm có ụ xi măng do người dân tự ý đắp mô từ đường nhựa lên vỉa hè. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vết đục, đẽo lởm chởm.

Ông Nguyễn Văn Mậu, ngụ ở KP2, đường 30-4, phường Trung Dũng, là một trong những người lấy xi măng đắp một đường dẫn trước nhà nói: “Dạo này sức khỏe vợ tôi giảm sút nên đi xe yếu, cộng với cái vỉa hè cao hơn đường đến gần hai mươi phân nên đã mấy lần bà bị trượt té. Chính vì vậy, tôi phải làm đoạn dốc này cho dễ đi hơn”. Thấy một người đàn ông ở cách nhà mình không xa đang cặm cụi đục gờ vỉa hè để giảm độ cao, ông Mậu bộc bạch: “Đắp xi măng mới nhanh, chứ đục như vậy thì tôi không có sức”.

Vỉa hè nham nhở

Phần lớn các gia đình khi gặp những đoạn vỉa hè cao hơn so với mặt đường thường tự động “xử lý”. Có nhà chỉ làm bề rộng khoảng 30cm để vừa đủ cho bánh xe đi lên, nhưng cũng có hộ đục bỏ hàng nửa mét. Đáng kể là nhiều hàng quán vô tư “mở” đường dẫn rộng đến 2m, và phần lấn ra ngoài lộ cả mét. Cá biệt, có nơi còn đắp thành hai đường song song để xe ô tô có thể dễ vào nhà hơn. Do mỗi nhà làm mỗi kiểu cách khác nhau, khiến cho những con đường xuất hiện thêm hàng loạt chướng ngại vật, rất nguy hiểm đối với người đi đường, nhất là vào ban đêm. Tại những điểm cơi nới bằng xi măng kể trên, hầu như mọi gia đình không đặt ống thoát nước bên dưới nên sau những cơn mưa, nước cuốn đất và rác thoát không kịp, bị kẹt lại, rất mất vệ sinh.

Để “bảo vệ” cho cách làm của mình, lý lẽ chung của những cư dân “đục vỉa hè” thường là: “không gọt bỏ làm sao đi được”. Anh Tô Ngọc Thanh, ngụ ở KP2, phường Trảng Dài phân bua: “Chẳng ai muốn làm xấu đi vỉa hè, nhưng mỗi khi lái xe từ đường vào nhà khó khăn quá nên chẳng còn cách nào khác là phải đập bỏ “những chướng ngại” đó. Khi nghe hỏi có bị ai phạt vì hành vi phá vỉa hè không, anh Thanh vô tư trả lời: “Chưa thấy”.

* Chuyện nhỏ mà không nhỏ…

Những người tự ý đục, đắp vỉa hè luôn đưa ra những lý do để cho rằng mình đúng, trong đó cơ bản là: đi lại không thuận tiện; sợ vỉa hè quá cao dễ làm xe trầy xước, hư hỏng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhiều nơi dù vỉa hè không cao hơn lề đường bao nhiêu, nhưng nhiều hộ dân ở mặt tiền cứ tiến hành đục, đắp khiến vỉa hè chẳng khác gì chiếc áo vá. Đó là chưa kể những mô xi măng lấn ra đường tới cả mét, gây cản trở giao thông. Điển hình như đường Đồng Khởi, phường Tân Hiệp, dù vỉa hè đã được xây một số đường dẫn thoai thoải cho các hộ dân tiện đi lại, nhưng nhiều đoạn vẫn xuất hiện những đường xi măng “vươn” hẳn ra đường. Những trường hợp này do những người có xe ô tô xây thêm; hoặc những quán cà phê tạo nhiều lối vào thuận tiện cho khách.

Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-4-2010, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thì hành vi xây, đặt bục bệ trái phép trên đường phố; tự ý đập phá, tháo dỡ vỉa hè hoặc sửa chữa, cải tạo vỉa hè trái phép sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. (Trích khoản 4, điều 14, chương II Nghị định 34/2010/NĐ-CP).

Đề cập về tình trạng đục, đắp vỉa hè, ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) cho biết, thật ra mọi vỉa hè ở Biên Hòa được thiết kế không cao lắm, nhưng vì người dân viện cớ này để biến dạng công trình. Vỉa hè thường được xây kèm theo mương nhỏ hai bên, do đó, khi người dân đem xi măng xây thêm đường dẫn từ lề đường lên vỉa hè, sẽ làm tắc hệ thống thoát nước, gây ảnh hưởng tới thiết kế ban đầu và hư hỏng công trình giao thông. “Thời gian trước đây, chúng tôi có kết hợp với Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa đi kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp cố ý phá hỏng vỉa hè; đồng thời buộc các hộ dân tháo gỡ, trả lại hiện trạng lúc đầu. Tuy nhiên, sau thời điểm kiểm tra, xử phạt thì tình hình đục, đắp vỉa hè lại tiếp diễn”.

Vỉa hè nham nhở

Theo ông Hưng, đây là những tồn tại mà trong thời gian tới Thanh tra giao thông phải đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa nhằm đề ra giải pháp chấn chỉnh từng bước. Để bảo vệ công trình công cộng, ông Hưng đề nghị ở nơi có vỉa hè cao, người dân dùng gỗ tấm hoặc sắt để làm đường dẫn, khi cần mới mang ra sử dụng là hợp lý nhất.

                                  Minh Đăng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích